icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở lối tín dụng cho tín chỉ carbon

THÙY LINH

Khung pháp lý hiện vẫn thiếu đồng bộ, chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng tín chỉ carbon để vay vốn ngân hàng, trong khi lợi ích từ thị trường này rất lớn

Thị trường carbon tuân thủ được thiết lập theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, dự kiến bắt đầu thí điểm trong năm nay và vận hành chính thức vào năm 2028.

Thiếu khung định giá

Tuy nhiên, theo Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (năm 2006), Cơ chế Tiêu chuẩn vàng, Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (năm 2008), Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (năm 2013)...

Đến nay, Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon. Trong đó, khoảng 150 chương trình, dự án được cấp trên 40 triệu tín chỉ carbon.

Mặc dù vậy, thị trường carbon trong nước vẫn đối mặt những khó khăn. Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (INTRACO - đơn vị phát triển dự án carbon), nhận định thị trường carbon của Việt Nam thời điểm này giống Trung Quốc trong giai đoạn đầu phát triển. Gần như trong 10 năm đầu, thị trường tín chỉ carbon của Trung Quốc không ghi nhận giao dịch bởi không có nhu cầu. Hiện tại, Việt Nam có 3 sàn giao dịch carbon tự nguyện nhưng không có sản phẩm để bán.

"Một trong những "nút thắt" là mất đến 2 - 3 năm để đăng ký một dự án carbon, có dự án kéo dài 4 - 6 năm vẫn chưa thể đăng ký. Vì vậy, cần sớm có tiêu chuẩn carbon nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, cũng như đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ sinh thái carbon" - ông Dũng kiến nghị.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Thoa, Khoa Kinh tế và Quản lý - Trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội), thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi tạo và đối mặt hàng loạt thách thức, như thiếu khung định giá carbon cụ thể, cơ sở hạ tầng giao dịch còn yếu, hệ thống pháp lý phân mảnh... Mức độ tham gia của DN, nhất là DN nhỏ và vừa, còn hạn chế do chi phí tuân thủ cao và thiếu thông tin minh bạch về quy trình tham gia.

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách NN-MT - Bộ NN-MT, cũng chỉ rõ thực tế chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng ngân hàng. "Cần thiết lập quy trình đánh giá, công nhận giá trị tín chỉ carbon một cách rõ ràng, bảo đảm tín chỉ được cấp phát từ dự án giảm phát thải khí nhà kính thực sự có giá trị thực tiễn, được bảo vệ trong các giao dịch tài chính. Qua đó, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon mà còn tạo môi trường thuận lợi để DN khai thác hiệu quả công cụ tài chính mới" - ông Thọ đề xuất.

Mở lối tín dụng cho tín chỉ carbon - Ảnh 1.

Rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã thu được tiền từ bán tín chỉ carbon Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đã trình bộ tiêu chí phân loại xanh

ThS Nguyễn Thị Kim Thoa kiến nghị Bộ NN-MT phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình xác minh, chứng nhận và giao dịch tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, để khuyến khích DN tích cực tham gia thị trường này, cần triển khai cụ thể các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn giảm thuế thu nhập DN 30% đối với DN đầu tư vào hệ thống đo lường, giám sát và giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025. Đồng thời, cần thành lập quỹ chuyển đổi số carbon quốc gia, cung cấp nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp cho DN nhỏ và vừa đầu tư vào công nghệ giảm phát thải.

Về phía cơ quan quản lý, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho hay Việt Nam đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon để hỗ trợ giảm phát thải và hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu theo xu thế của thế giới. Do đó, nhà nước đã xác định công cụ định giá carbon, bao gồm thị trường carbon tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện. Tuy vậy, để tạo ra tín chỉ carbon và vận hành sàn giao dịch carbon hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý như nghị định về sàn giao dịch carbon, nghị định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế...

"Cơ quan chức năng đang xây dựng hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn tín chỉ carbon trong nước, thẩm định dự án tạo tín chỉ carbon. Việc xây dựng thể chế và các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giúp hoàn thiện hệ sinh thái về thị trường carbon" - ông Cường thông tin.

Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu đánh giá sự sẵn sàng tham gia của DN Việt Nam vào thị trường carbon là rất mạnh mẽ. Trong đó, khu vực ngân hàng đã đẩy mạnh tiếp cận chuyển đổi xanh, cho vay và phát triển các dự án xanh.

"Bộ NN-MT đã trình Chính phủ bộ tiêu chí phân loại xanh. Khi bộ tiêu chí này được ban hành, ngân hàng sẽ có cơ sở để cho vay đối với dự án xanh, tổ chức và cá nhân có cơ sở tiếp cận các chương trình tín dụng xanh" - ông Cường cho biết.

Theo báo cáo về sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon tự nguyện của khu vực tư nhân tại Việt Nam, do Tổ chức Tài chính quốc tế và Cục Biến đổi khí hậu công bố cuối năm 2024, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao khung tài chính xanh quốc gia với các chính sách khuyến khích để thu hút nguồn tài chính lớn hơn cho đầu tư tư nhân vào công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện, cần có sự phối hợp hiệu quả, linh hoạt giữa khu vực tư nhân và khu vực công. 

Một số nước thử nghiệm thế chấp tín chỉ carbon

Việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng hoặc hỗ trợ tín dụng vẫn còn mới, chưa phổ biến rộng rãi. Một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng nhưng các quy định pháp lý thường chưa đồng bộ, dẫn đến rủi ro về giá cả, tính thanh khoản và gian lận.

Ở Pháp, tín chỉ carbon được phân loại là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng, cho phép sử dụng làm tài sản thế chấp trong các giao dịch tài chính. Cụ thể, một số ngân hàng tại nước này đã thử nghiệm sử dụng Hạn ngạch Liên minh châu Âu (EUA) làm tài sản thế chấp trong các khoản vay liên quan năng lượng tái tạo. Trên phạm vi toàn Liên minh châu Âu, hiện vẫn chưa có quy định thống nhất về việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản thế chấp.

Tại Anh, một số ngân hàng cũng bắt đầu thử nghiệm các sản phẩm tài chính liên quan tín chỉ carbon nhưng chủ yếu tập trung vào giao dịch hoặc tài trợ dự án hơn là thế chấp. Trong khi đó, tại Mỹ, hiện chưa có khung pháp lý rõ ràng cho phép sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản thế chấp nhưng vấn đề này đang được đưa ra thảo luận. Một số bang và tổ chức tài chính đã thử nghiệm song rủi ro pháp lý và biến động giá khiến các ngân hàng vẫn còn thận trọng.

Theo trang web của công ty luật Fieldfisher (Anh), nếu dùng hạn ngạch phát thải để huy động tài chính, cần chú ý vấn đề rủi ro giá biến động, quyền sở hữu, thuế và rủi ro phá sản. Hình thức này được đánh giá là sáng tạo nhưng đòi hỏi hợp đồng chặt chẽ và tư vấn pháp lý kỹ lưỡng.

X.Mai


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo