Theo Đề án thành lập và Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt, Việt Nam sẽ chủ động thành lập, phát triển thị trường carbon theo mô hình tập trung, bảo đảm nguyên tắc thị trường với sự quản lý, giám sát của nhà nước.
Thị trường tín chỉ carbon đã sôi động
Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6-2025, từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon.
Theo đề án, có 2 loại hàng hóa trên thị trường carbon: hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường - gồm tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.
Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch carbon trong nước. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng.
Đáng chú ý, đề án đưa ra lộ trình triển khai thị trường carbon theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thí điểm thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2028; giai đoạn vận hành chính thức sẽ thực hiện từ năm 2029 trên toàn quốc.
Thực tế, lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp đã được chuẩn bị từ năm 2014, khởi đầu với việc xây dựng tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung Bộ. Đến tháng 10-2020, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) ký chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon. Tháng 3-2024, Việt Nam đã nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ WB, sau khi hoàn tất chuyển nhượng số tín chỉ này, rồi phân bổ về các địa phương. Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả, mang lại lợi ích cho khoảng 7.000 chủ rừng.
Theo ông Vũ Tùng Quân, Giám đốc Chương trình Đào tạo tín chỉ carbon - Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam đã bắt đầu phát triển sôi động. Ông dự báo thị trường tín chỉ carbon bắt buộc sẽ phát triển trước, từ đó thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tự nguyện.
Để thúc đẩy thị trường carbon phát triển theo đúng lộ trình, ông Quân lưu ý một trong những yếu tố quan trọng là sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ - nhóm chiếm tỉ trọng lớn và có số lượng không nhỏ tham gia xuất khẩu. Các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... đã và sẽ có quy định bắt buộc có tín chỉ carbon trong hồ sơ xuất khẩu. Vì vậy, việc có thông tin rõ ràng và chính sách hỗ trợ để DN tham gia thị trường tín chỉ carbon là rất quan trọng trong thời gian tới.
Bài học từ nhiều quốc gia
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tích cực triển khai thị trường giao dịch carbon như một công cụ kinh tế hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Điển hình là Trung Quốc với hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc (ETS) và thị trường giao dịch giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện (GHG), gọi chung là Chương trình Giảm phát thải được chứng nhận của Trung Quốc (CCER). Hai hệ thống này hoạt động độc lập nhưng có sự kết nối thông qua cơ chế cho phép DN mua CCER từ thị trường tự nguyện để đáp ứng mục tiêu trong ETS.
ETS có 8 ngành phát thải lớn gồm: phát điện, thép, vật liệu xây dựng, kim loại màu, hóa dầu, hóa chất, giấy và hàng không dân dụng, vốn chiếm tới 75% tổng lượng phát thải của Trung Quốc. Thị trường bắt buộc này bắt đầu giao dịch từ tháng 7-2021 tại Sàn Môi trường và Năng lượng Thượng Hải. Trong giai đoạn đầu, có hơn 2.000 đơn vị phát thải lớn trong ngành điện lực, mỗi đơn vị có mức phát thải tối thiểu 26.000 tấn/năm.
Theo cơ chế của hệ thống này, các DN được cấp một hạn ngạch phát thải miễn phí. Nếu lượng phát thải thực tế vượt quá hạn ngạch trong một giai đoạn quy định, DN phải mua thêm hạn ngạch từ thị trường để bù đắp. Ngược lại, nếu lượng phát thải miễn phí thấp hơn hạn ngạch, DN có thể bán số lượng dư thừa.
Kể từ khi thành lập, sàn giao dịch này của Trung Quốc đã trở thành nền tảng giao dịch khí thải lớn nhất thế giới, với khoảng 5,1 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải của đất nước tỉ dân. Theo số liệu chính thức, đến cuối năm 2023, tổng khối lượng giao dịch trên ETS đã đạt 442 triệu tấn, với giá trị khoảng 3,5 tỉ USD.
Vào năm 2019, Singpore tuyên bố tham vọng trở thành trung tâm carbon hàng đầu của khu vực, nơi mà các công ty có thể mua tín chỉ carbon chất lượng cao từ châu Á và nơi khác để bù đắp lượng khí thải nhà kính của họ. Ngoài ra, Singapore còn cung cấp các dịch vụ liên quan như giám sát carbon, xác minh tín chỉ và phân tích rủi ro khí hậu. Hiện nơi đây tập trung số lượng nhà cung cấp dịch vụ carbon cao nhất ở Đông Nam Á.
Người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Zhi Hui Tang cho rằng phát triển một trung tâm dịch vụ và giao dịch carbon mạnh mẽ, năng động sẽ giúp thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu cả ở địa phương và trong khu vực. Singapore cũng đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp thuế carbon với 80% lượng phát thải trong nước, đem lại những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy DN giảm phát thải.
Ấn Độ cũng công bố kế hoạch triển khai thị trường carbon vào năm 2026. Động thái trên cho thấy xu hướng này đang ngày càng được mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Thông qua cơ chế thưởng phạt minh bạch, thị trường carbon không chỉ tạo động lực kinh tế cho DN mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Bình luận (0)