Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) nhận định thành phố đang phải đối mặt tình trạng phát thải carbon đáng kể, ước tính lên tới 35 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải phát thải khoảng 13 triệu tấn.
Thách thức và cơ hội cho TP HCM
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, TP HCM đã đề ra chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2020-2030. TP HCM đặt mục tiêu giảm 90% lượng ô nhiễm không khí tăng thêm từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.
Chương trình này cũng hướng tới phát triển tín chỉ carbon thông qua khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh, phù hợp với Quyết định 876 năm 2022 của Thủ tướng về việc giảm phát thải carbon và khí methane trong ngành giao thông vận tải.
Cụ thể, TP HCM khuyến khích sử dụng xe điện 2 bánh và xe đạp chia sẻ. Chẳng hạn, VinFast ra mắt và đang đẩy mạnh dịch vụ gọi xe điện Xanh SM, sử dụng xe máy và ô tô điện. Thành phố cũng vận hành mô hình xe đạp chia sẻ TNGo nhằm cung cấp giải pháp giao thông xanh, giảm sử dụng xe cá nhân...
Tuy nhiên, việc hình thành tín chỉ carbon từ xe điện 2 bánh và xe đạp chia sẻ tại TP HCM vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Các cơ chế, quy định và hạ tầng hỗ trợ đo lường, báo cáo và xác minh lượng giảm phát thải còn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc triển khai và giao dịch tín chỉ carbon trong lĩnh vực này.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS, nhận định TP HCM có nhiều cơ hội để phát triển thị trường tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông. Ông chỉ ra 3 ưu tiên chính trong kế hoạch này, gồm: chuyển đổi xe buýt điện, phát triển xe giao hàng chạy điện và xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Đến nay, TP HCM đã có những bước đi cụ thể như: đưa vào hoạt động gần 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG và điện, triển khai hàng ngàn taxi điện của VinFast và xe máy điện cho dịch vụ giao hàng. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối tháng 12 này. Ông Vũ nhấn mạnh khi phát triển thêm 7 tuyến đường sắt đô thị trong tương lai sẽ mở ra tiềm năng lớn cho TP HCM trong việc tạo và bán tín chỉ carbon.
Bên cạnh những cơ hội, ông Vũ cũng chỉ ra không ít thách thức trong quá trình phát triển giao thông xanh của TP HCM. Cụ thể, TP HCM còn gặp khó khăn về hạ tầng, như thiếu trạm sạc điện và chưa có quy trình chứng nhận tín chỉ carbon rõ ràng. Chi phí đầu tư phương tiện điện vẫn còn cao, gây hạn chế trong khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ còn thiếu nhất quán, nhận thức của cộng đồng và năng lực triển khai của các doanh nghiệp cũng chưa đồng đều. Những thách thức này đòi hỏi TP HCM phải xây dựng một chiến lược tổng thể, đồng bộ để phát triển giao thông xanh một cách bền vững và hiệu quả.
Vốn mồi để chuyển đổi xanh
TS Vũ Anh Tuấn - thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, cho rằng nếu thành phố chuyển đổi 2.600 xe buýt chạy diesel sang xe buýt điện (giai đoạn 1) sẽ tiết kiệm được 18 tỉ đồng/năm từ bán khí thải carbon (chỉ bằng 1,5% kinh phí trợ giá cho xe buýt).
Hiệu quả bán tín chỉ carbon không lớn, trong khi việc đăng ký bán tín chỉ sẽ mất thời gian, thủ tục. Do đó, TP HCM nên tính toán giải pháp chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng hơn là chú trọng vào việc tạo thị trường carbon; nên xem tín chỉ carbon là động lực chứ không phải là giải pháp duy nhất.
"Nên xem bán tín chỉ carbon giao thông là vốn mồi để chuyển đổi xanh chứ không thể trông cậy vào việc kiếm nhiều tiền. Thay vào đó, TP HCM nên tập trung phát triển hệ thống xe buýt điện, đường sắt đô thị vì lợi ích mang lại rất lớn, gồm giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe của người dân" - ông Tuấn phân tích.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, nhấn mạnh TP HCM cần sớm thực hiện lộ trình bán tín chỉ carbon vì tỉ lệ phát thải cao. Theo đó, có 8 giải pháp nhằm thực hiện chương trình này, gồm: phát triển hệ thống metro, giao thông công cộng năng lượng xanh; có chính sách giảm thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện; tối ưu hóa giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông; thay thế nhiên liệu cũ bằng CNG, điện; xây dựng hệ thống giao thông thông minh; khuyến khích người dân đi xe đạp, đi bộ bằng cách xây dựng làn đường riêng; ban hành chính sách quy định nghiêm ngặt đối với ô tô cá nhân và giáo dục ý thức cộng đồng.
Lấy bài học kinh nghiệm từ Bangkok - Thái Lan và Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), ThS Trần Trọng Tín, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng để việc chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân đạt hiệu quả, tối ưu thu nhập từ giao dịch tín chỉ carbon, TP HCM cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ và hưởng ứng. TP HCM cũng cần thành lập một tổ chức trung gian để thu gom tín chỉ carbon nhỏ lẻ từ các phương tiện cá nhân hoặc thu gom cùng lúc với các dự án chuyển đổi phương tiện công cộng xanh của thành phố.
Bên cạnh việc tạo tín chỉ từ phương tiện cá nhân, TP HCM nên kết hợp nhiều giải pháp khác như: Tạo tín chỉ carbon từ phương tiện công cộng, xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Ngoài ra, thành phố có thể triển khai các giải pháp ít kinh phí hơn, như xanh hóa đô thị bằng mảng xanh để hấp thu carbon.
Bình luận (0)