Dự án "Quản trị tình trạng sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại ĐBSCL" vừa công bố cho thấy tình trạng sụt lún đất tại ĐBSCL đang diễn ra là đáng báo động. Dự án này là sự tiếp nối những nỗ lực của dự án hợp tác nghiên cứu Hà Lan - Việt Nam Rise and Fall (NWO - WOTRO tài trợ bởi ĐH Utrecht, Deltares, Trường ĐH Cần Thơ và các đối tác Việt Nam).
Nội ô Cần Thơ lún nhanh
Công trình nghiên cứu trên được triển khai từ đầu năm 2020 tại 4 địa phương: TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre nhằm mục đích xây dựng các chính sách liên quan đến vấn đề sụt lún dựa trên các cơ sở khoa học.
Theo số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), qua việc sử dụng 287 mốc chuẩn quan trắc trên khắp vùng đồng bằng, cho thấy tốc độ sụt lún trung bình từ năm 2005-2017 ở ĐBSCL lên tới 5,7 cm/năm. Trong khi đó, mực nước biển dâng tuyệt đối chỉ ở mức 35 mm/năm. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ XXI.
Khai thác nước ngầm ở ĐBSCL phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt đang làm cho ĐBSCL lún ngày càng nhanh Ảnh: NGỌC TRINH
TS Hà Quang Khải, Viện Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Bách khoa TP HCM), cho rằng nội ô TP Cần Thơ là nơi có tốc độ sụt lún cao nhất. Một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức. Việc gia tăng cơ sở hạ tầng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các đô thị.
Dự án trên cũng chỉ ra rằng mực nước ngầm trong các tầng chứa nước ở Cần Thơ đã xuống mức thấp nhất vào năm 2020 kể từ khi bắt đầu quan trắc năm 1991. Qua khảo sát từ năm 2015-2019 cho thấy Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún đất với tốc độ vượt quá 5 cm/năm ở hầu hết các khu vực. Dự báo, phần lớn TP Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mực nước biển vào năm 2100 nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục theo kịch bản như bình thường.
Việc mất độ cao sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường vốn đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống đô thị. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hiện nay ngập theo mùa đã làm ngập một nửa TP mỗi năm, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp được tính là gần 650 USD/gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của hộ gia đình.
Khai thác nước ngầm gia tăng
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng sụt lún có nhiều nguyên nhân cả tự nhiên và nhân tạo. Trong các tác động do con người thì việc khai thác nước ngầm quá mức được xem là nguyên nhân chính. Việc hạ thấp mực nước ngầm do khai thác quá mức dẫn đến giảm áp lực nước lỗ rỗng, từ đó gia tăng độ lún. Ở quy mô địa phương, nhất là tại những thành phố, tải trọng của cơ sở hạ tầng và các tòa nhà là nguyên nhân chính gây sụt lún bên cạnh việc khai thác nước ngầm.
Đánh giá của Bộ TN-MT từ năm 2010 cho thấy tại Cần Thơ, tổng lưu lượng khai thác nước ngầm là hơn 188.000 m3/ngày đêm. Phần lớn nước ngầm được khai thác cho mục đích sinh hoạt (chiếm 53%), sau đó đến nước cho nông nghiệp và công nghiệp. Do tốc độ khai thác nước ngầm ở Cần Thơ lớn hơn tốc độ bổ sung nước ngầm, áp lực nước ngầm trong các tầng chứa nước hạn chế đã liên tục giảm trong những thập kỷ qua. "ĐBSCL đang gặp 3 thách thức: xây dựng các đập thủy điện từ thượng nguồn, nước biển dâng và vấn đề nội tại của vùng. Trong vấn đề nội tại, việc khai thác nước ngầm để dùng cho sản xuất, sinh hoạt đang làm nhiều vùng sụt lún và hiện tượng này nó diễn ra nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Điều này giải thích vì sao TP Cần Thơ càng ngày càng ngập nghiêm trọng" - PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, phân tích.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết địa phương đã và đang triển khai việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm và thực hiên các biện pháp kiểm soát tình trạng này nhằm giảm tối đa sụt lún. Tại Đồng Tháp, từ cuối năm 2020, toàn tỉnh đã tạm ngưng khai thác nước ngầm để chuyển qua sử dụng nước mặt.
Bơm nước trở lại tầng nước ngầm
ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết để hạn chế tình trạng sụt lún thì một trong những phương pháp là lọc nước mặt cho sạch rồi bơm trở xuống tầng nước ngầm. "Đây là kỹ thuật khó, công phu nhưng không phải không làm được. Nhưng để cho đất không bị lún tiếp thì phải làm như vậy. Dù ngưng khai thác nước ngầm, cũng mất khoảng 20 năm sau mới phục hồi được nhưng việc bơm nước xuống tầng nước ngầm thì chỉ cần 5-10 năm đất sẽ tự trồi lên" - ông Vinh nói.
Bình luận (0)