Sâm Ngọc Linh, cây "thuốc giấu" một thời của người Xê Đăng ở miền núi Quảng Nam, nay trở thành thứ hàng xa xỉ với mức giá lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ký. Giống cây đỏng đảnh này càng trở nên quý hiếm vì chỉ ưa sống trên những ngọn núi Ngọc Linh ở độ cao trên 1.600 m, quanh năm mây phủ giá lạnh.
Bài toán đã có lời giải
Do môi trường sống đặc biệt, cùng với việc nhân giống bằng hạt không tạo ra sản lượng lớn nên quy mô ươm trồng sâm Ngọc Linh khó mở rộng. Làm thế nào để loại sâm quý này đến được tay đa số người dân là bài toán mà các nhà khoa học Việt Nam phải giải trong thời gian qua.
Sâm Ngọc Linh (tên khoa học là Panax Vietnamensis) là thảo dược quý hiếm có hàm lượng saponin cao nhất, thành phần ginsenoside nhiều nhất trong các loại nhân sâm trên thế giới. Thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axít béo... Trong đó, một nửa (26) hợp chất saponin có ở các loại sâm Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Trung Quốc; 26 hợp chất saponin còn lại có cấu trúc mới, không thấy trong các loại sâm khác.
Sâm Ngọc Linh được xếp vào hạng thượng đẳng, giá trị kinh tế cao, có tác dụng trong việc bồi bổ sức khỏe, gia tăng tuổi thọ, phòng tránh nhiều bệnh tật. Việt Nam là nơi phân bố sâm Ngọc Linh duy nhất trên thế giới. Sự quý hiếm, khó nhân giống (hệ số nảy mầm từ hạt thấp) cũng như thời gian trồng dài và điều kiện trồng không phổ biến khiến sâm Ngọc Linh xa tầm tay của đại bộ phận dân chúng.
Quá trình tạo rễ tóc và nhân sinh khối rễ sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên bị săn lùng ráo riết nên ngày càng trở nên khan hiếm, khó tìm. Dưới chân núi Ngọc Linh, những vườn sâm trồng dần mọc lên nhằm bổ sung nguồn cung cho thị trường nhưng vẫn chưa thấm gì so với nhu cầu quá lớn. Khi số lượng cây trong tự nhiên suy giảm, cộng với nhu cầu sử dụng quá lớn là điều kiện cho sâm Ngọc Linh giả hoành hành khiến nhiều người tiêu dùng bị lừa, tiền mất tật mang.
Di thực sâm Ngọc Linh ra khỏi vùng sinh trưởng tự nhiên lâu nay đang là nỗ lực của chính quyền tỉnh Quang Nam và nhiều người dân, doanh nghiệp trong vùng nhưng chưa mang lại kết quả khả quan. Với phương pháp trồng truyền thống, phải mất nhiều năm để có sản phẩm củ nhân sâm thành phẩm. Nhân giống bằng công nghệ cao được xem là giải pháp giúp tăng số lượng cây giống cho người trồng nhằm mở rộng diện tích nhanh chóng.
Bình dân hóa sản phẩm
Hàn Quốc đã bình dân hóa sản phẩm từ nhân sâm, phát triển công nghệ nuôi sinh khối rễ ở quy mô công nghiệp để chiết xuất hoạt chất nhân sâm làm đầu vào cho công nghiệp chế biến. Việt Nam cũng phải làm được điều này đối với sâm Ngọc Linh.
Một số viện nghiên cứu đã tiếp nhận công nghệ nuôi sinh khối và phát triển thành công nhân giống sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh. Việc này nhằm thu hoạt chất thứ cấp từ rễ tóc - một loại dược liệu có thể dùng cho các ngành mỹ phẩm, làm đẹp, thực phẩm chức năng hoặc sản xuất bánh kẹo ở mọi phân khúc giá mà nguồn cung từ cây sâm trồng tự nhiên lâu nay không đáp ứng được.
Rễ tóc sâm Ngọc Linh nuôi sinh khối Ảnh: MAI TRƯỜNG
Ông Mai Trường, Trưởng Phòng Phát triển công nghệ nhân sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh - Viện Sinh học nhiệt đới, phân tích: "Dù hàm lượng hoạt chất chiết xuất từ nuôi sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh (trong vòng vài tháng) so với củ sâm trồng tự nhiên (hàng chục năm) thấp hơn nhưng trong môi trường nuôi cấy công nghiệp, chúng ta có thể tạo ra sản lượng lớn với thời gian được rút ngắn đáng kể. Đây sẽ là đầu vào quan trọng nếu muốn phát triển mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm tiêu dùng có hoạt chất sâm Ngọc Linh, phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường".
Ông Mai Trường cùng với nhóm nghiên cứu của mình đã theo đuổi công nghệ nhân sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh một thời gian dài, đạt nhiều kết quả tốt. Nhóm đã chuyển giao công nghệ này cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân nhằm phát triển ngày càng rộng ở nước ta.
Ngoài Viện Sinh học nhiệt đới, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM hay một số viện nghiên cứu, trường đại học ở phía Nam cũng phát triển và cải tiến thành công công nghệ nêu trên, đưa những thiết bị tưởng chừng cao siêu thành "bình dân hóa" để giảm chi phí, giá thành, cũng như mong muốn mọi người đều có điều kiện tiếp cận và làm được. Với những chiếc bình đựng nước 20 lít, các kỹ sư công nghệ sinh học đã chế biến thành những chiếc "bioreactor - phiên bản Việt Nam". Mỗi bình bioreactor chuyên dụng - hệ thống nuôi sinh khối rễ sâm Ngọc Linh - giờ chỉ còn vài trăm ngàn hay vài triệu đồng chứ không có giá vài ngàn USD như trước. Công nghệ bình dân này đã biến những sản phẩm xa xỉ từ sâm Ngọc Linh dần tiếp cận được đa số người dân, khiến ai cũng có cơ hội sử dụng để nâng cao sức khỏe, cải thiện nhan sắc.
Bình luận (0)