Công bố các phát hiện trên tạp chí BMJ Open, TS Erla Bjornsdottir từ Đại học Reykjavik (Iceland) cùng các cộng sự từ nhiều viện, trường thuộc Iceland, Thụy Điển, Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha và Estonia cho biết tập thể dục đúng mức có thể là "thần dược" cho chứng mất ngủ.
4.399 người đã tham gia nghiên cứu (bao gồm 2.085 nam và 2.254 nữ), thời gian theo dõi trung bình 10 năm, theo Medical Xpress.
Họ đã trả lời các câu hỏi về tần suất và thời gian hoạt động thể chất lúc ban đầu, hoạt động thể chất trong thời gian theo dõi, các triệu chứng mất ngủ, thời lượng ngủ và tình trạng buồn ngủ ban ngày.
Trong số đó, những người tham gia báo cáo rằng họ tập thể dục ít nhất 2 lần/tuần, tổng thời gian 1 giờ/tuần trở lên, được phân loại là "có hoạt động thể chất".
Trong khoảng thời gian 10 năm, 37% nhóm tình nguyện viên (1.601 người) liên tục không hoạt động thể chất; 18% (775 người) bắt đầu hoạt động thể chất; 20% (881người) ít hoạt động; và 25% (1.082) hoạt động liên tục.
Những người hoạt động thể chất liên tục giảm được nguy cơ khó ngủ tới 42% và nguy cơ có bất kỳ triệu chứng mất ngủ nào giảm 22%. Bên cạnh đó, nguy cơ có 2-3 triệu chứng mất ngủ cũng giảm 40%.
Ngoài ra, nhóm năng động này cũng có tới 55% cơ hội có một giấc ngủ tốt "đúng chuẩn", nguy cơ gặp những giấc ngủ ngắn do trằn trọc (ít hơn 6 giờ) thấp hơn 29%, thậm chí đôi khi "ngủ nướng" một cách thoải mái.
Đúc kết lại, bạn có thể đạt được giấc ngủ ngon nhất với 2-3 lần tập thể dục mỗi tuần, tất nhiên với một thời lượng tương đối.
Đây có thể là lời gợi ý hữu hiệu, dễ làm đối với nhiều người đã tìm đủ mọi phương thuốc trị chứng mất ngủ.
Nghiên cứu này cũng không phải nghiên cứu đầu tiên liên kết chất lượng giấc ngủ và việc hoạt động thể chất.
Theo nhiều bằng chứng khoa học khác trước đó, hoạt động thể chất vừa đủ sẽ giúp cân bằng nhiều quá trình sinh học trong cơ thể, bao gồm giảm căng thẳng, điều chỉnh các hormone liên quan đến giấc ngủ, từ đó giúp bạn chống lại chứng mất ngủ.
Bình luận (0)