Ngày 25-1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững". Mức độ chênh lệch về giá vàng trong và ngoài nước là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm tại tọa đàm.
Cung - cầu bị lệch pha
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012, nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa". Theo đó, nhà nước lấy thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng không sản xuất thêm.
"Khi cung không có mà cầu có thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối, giá vàng miếng SJC sẽ tăng. Mặt khác, nhà nước không nhập khẩu vàng nguyên liệu, nghĩa là không có sự liên thông với thị trường thế giới. Nếu trong nước giá cao, chúng ta nhập khẩu để cân bằng về giá. Trường hợp giá vàng trong nước thấp, thế giới cao, chúng ta xuất khẩu cũng để cân bằng giá cả. Thế nhưng, do nhiều năm qua, Việt Nam không xuất - nhập khẩu vàng, dẫn đến tình trạng giá vàng thế giới có khi chỉ tăng nhẹ, lập tức giá vàng trong nước tăng rất cao là rất phi lý" - GS-TS Hoàng Văn Cường phân tích.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhận định nhà nước duy trì độc quyền vàng miếng SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá. Điều này được thể hiện qua việc giá vàng SJC vào cuối năm 2023 có thời điểm cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.
Theo ông Hùng, ở nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng. Họ xem vàng là một loại hàng hóa, bao gồm vàng vật chất và phi vật chất.
Vàng vật chất là các loại vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch thông dụng trên thị trường.
Trong khi đó, Nghị định 24 chỉ đề cập vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Gần đây, khi Chính phủ yêu cầu bình ổn giá vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái không khuyến khích người dân tích trữ vàng miếng vì có thể bị thiệt thòi. Tuy nhiên, NHNN cần có giải pháp can thiệp, đề xuất sửa đổi các quy định giao dịch vàng cho phù hợp với xu hướng thế giới, nhằm kéo giảm mức độ chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước" - ông Hùng đề nghị.
Nên xem xét thành lập Sở Giao dịch vàng
Trước những ý kiến trên, TS Trần Thọ Đạt - chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng thị trường vàng trong nước cần liên thông, bảo đảm phù hợp với biến động của giá vàng thế giới.
"Để điều hành thị trường, chúng ta cần phải làm cho cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước. Nếu NHNN tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng SJC thì nên gia tăng quỹ dự trữ vàng. Khi vàng miếng SJC tăng giá bất thường, cơ quan này có thể sẵn sàng tăng nguồn cung để bình ổn giá" - ông Đạt đề xuất.
Trong khi đó, GS-TS Hoàng Văn Cường khuyến nghị phải có các phương thức giao dịch đa dạng hơn vì xu thế giao dịch của thế giới là kinh doanh vàng trên sàn. "Khi giao dịch vàng qua sàn thì người dân không cần phải mua mang về nhà. Số vàng đó sẽ được lưu thông trên thị trường, mang lại tác động tốt cho nền kinh tế. Việc lập sàn giao dịch vàng rất cần tính đến. Tuy nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt nên cần tính tới phương thức quản lý sao cho phù hợp" - ông Cường kiến nghị.
Theo TS Trần Thọ Đạt, một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 - 500 tấn, một nguồn lực tài chính rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Để huy động được nguồn lực này và xây dựng thị trường vàng trong tương lai phát triển bền vững, NHNN cần nghĩ đến các điều kiện, tiêu chí cụ thể để có thể xem xét thành lập Sở Giao dịch vàng.
Bình luận (0)