Những năm qua, nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động và cho vay vốn ban đầu để "nâng bước người lao động" khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là lao động thời vụ ở Hàn Quốc, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định, sung túc.
Từ năm 2019 đến nay, anh Phạm Thanh Hùng - ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc 3 đợt (3 - 5 tháng/đợt), làm công việc chăm sóc và thu hoạch hoa màu.
Qua 3 đợt lao động thời vụ, anh Hùng đã dành dụm được tiền xây căn nhà gần 100 m2, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Anh cho biết công việc thời vụ tại Hàn Quốc rất nhẹ nhàng, chủ rất tốt và lương lại cao. "Nếu được tiếp tục hỗ trợ và chủ bên Hàn Quốc đồng ý thì tôi sẽ đi nữa" - anh quả quyết.
Chị Nguyễn Mai Chi (ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) ở cách nhà anh Hùng không xa. Thấy có khách, chị ngừng may quần áo, vồn vã lấy nước ngọt từ tiệm tạp hóa của mình ra mời.
Chị Chi cho biết từ năm 2018 đến nay, chị cùng chồng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Nông cho vay 3 đợt để đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc. Sau khi về nước đúng thời hạn, vợ chồng chị đã trả hết vốn và lãi cho ngân hàng; sửa lại nhà, mở tiệm tạp hóa và may Âu phục.
"Nhờ được tạo điều kiện đi làm tại Hàn Quốc nên cuộc sống gia đình tôi đã ổn định và hy vọng sẽ phát triển hơn. Năm nay, chồng tôi chuẩn bị đi tiếp" - chị khoe.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hiền - chị Nguyễn Thị Nhị (ngụ xã Phú Hiệp) cũng đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc. Anh Hiền đi 3 đợt với công việc chăm sóc và thu hoạch hoa màu. Còn chị Nhị đi 2 đợt, mỗi đợt 3 - 5 tháng. Nhờ đó mà cuộc sống của anh chị ngày càng sung túc.
"Chủ ở Hà Quốc lo chỗ ở, cuối tháng trả lương vào tài khoản. Người lao động chỉ lo đồ ăn, nước uống nên chi phí không nhiều. Nếu có điều kiện, vợ chồng tôi sẽ đi tiếp" - chị Nhi khẳng định...
Dịp Tết vừa qua, ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, cùng lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và huyện Tam Nông đã đến thị trấn Tràm Chim thăm, tặng quà, chúc Tết các chủ doanh nghiệp, là những người trước đây đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc về, trong đó có anh Nguyễn Nhật Trường - chủ tiệm bạc Nhật Trường.
Anh Trường cho biết năm 2007 đi XKLĐ ở Hàn Quốc, khi hết hạn hợp đồng về nước năm 2012 có số vốn hơn nửa tỉ đồng để mở tiệm chế tác và kinh doanh kim hoàn. Bình quân mỗi tháng, anh có thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng. "Nhờ có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, vay vốn ban đầu của địa phương nên chúng tôi mới tạo được sự nghiệp hôm nay" - anh Trường cảm kích.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Tam Nông đã đưa 517 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Bình quân mỗi tháng, một người gửi về gia đình 15 - 35 triệu đồng. Hiện toàn huyện có 332 người hết hợp đồng về nước mở công ty, cơ sở sản xuất - kinh doanh, làm ăn hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ vốn cho người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài; khuyến khích họ đi làm thời vụ ở Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nguồn vốn cho vay ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội đã "nâng bước người lao động", giúp nhiều người ở huyện Tam Nông "đi làm thuê, về làm chủ", từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá cao các chủ cơ sở, doanh nghiệp, bằng vốn kiến thức, tác phong làm việc công nghiệp và nguồn tiền tích lũy được từ XKLĐ đã về quê nhà làm ăn hiệu quả. Ông Phan Văn Thắng đề nghị đẩy mạnh chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để có nguồn lao động chất lượng, khi trở về có thể tự làm giàu và góp phần phát triển quê hương.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)