Năm 1992, khi dừng chân trước ngưỡng cửa đại học, bà Hoàng Thị Bích Hạnh xin vào làm công nhân (CN) thu gom rác tại Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - nay là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Hàng chục năm gắn bó với nghề, bà Hạnh hiểu rõ những vất vả, nhọc nhằn của đồng nghiệp. Bởi vậy, khi được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, bà Hạnh luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi và giảm thiểu những khó khăn cho anh chị em CN.
Người chị cả
Từ kiến nghị của Công đoàn, công ty đã đầu tư nhiều phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác hiện đại thay thế dần lao động thủ công, nhờ đó công việc của anh chị em CN đỡ vất vả hơn.
Ngoài giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách tại doanh nghiệp (DN), bà Hạnh cùng Ban Chấp hành Công đoàn chủ động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ). Hiện nay, ngoài thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng, 100% NLĐ tại công ty được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; riêng CN làm công việc nặng nhọc, độc hại định kỳ khám sức khỏe 6 tháng/lần…
Bên cạnh chính sách ưu tiên tuyển dụng con NLĐ đang làm việc tại công ty, các chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất, ma chay hiếu hỉ cũng được công ty cải thiện, dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/trường hợp. Đặc biệt, NLĐ đủ điều kiện về hưu sẽ được công ty trợ cấp thêm tùy thâm niên làm việc và thời gian đóng BHXH, với mức từ 4 đến 8 tháng lương cơ sở.
Thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ nên bà Hạnh luôn có sự hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, qua nắm bắt tình hình, bà biết được gia cảnh của đoàn viên Nguyễn Thị Lan và Nguyễn Thị Liên - cùng công tác tại chi nhánh Cầu Diễn - nhà dột nát, xuống cấp trầm trọng khiến hai chị không an tâm đi làm mỗi khi mưa gió trong khi thu nhập không cho phép sửa chữa, nâng cấp nhà.
Thông cảm với tình cảnh của họ, bà Hạnh đã đề xuất Công đoàn cấp trên hỗ trợ 30 triệu đồng/trường hợp để sửa chữa nhà. Hôm khánh thành "Mái ấm Công đoàn", hai nữ CN không giấu được xúc động. "Nhờ sự sẻ chia quý báu của tổ chức Công đoàn mà gia đình tôi có được mái ấm tươm tất. Đây chính là động lực để tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống, yên tâm công tác, tiếp tục gắn bó với DN" - chị Liên chia sẻ.
Hết lòng với công nhân
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có khoảng 5.000 CN, trung bình mỗi ngày thu gom 6.000 tấn rác thải. Do lượng rác thải quá lớn nên đội ngũ này làm việc không kể ngày đêm và phải đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết. Vì thế, việc bảo vệ sức khỏe NLĐ luôn được Công đoàn và ban giám đốc quan tâm.
Vào dịp hè, đặc biệt trong các tháng cao điểm như tháng 5 và 6, từ đề xuất của Công đoàn, công ty cấp phát thêm đường, viên C sủi cho CN; vào mùa đông, CN được cấp thêm thuốc bổ, dầu gió, trà gừng… để giải nhiệt và tăng cường thể lực. Trong những ngày nắng nóng, đích thân bà Hạnh đến hiện trường tặng các phần quà như sữa tươi, bánh, nước khoáng... động viên CN.
Không chỉ làm việc vất vả, CN vệ sinh môi trường còn đối diện nguy cơ bị tai nạn giao thông, thậm chí bị cướp tài sản, bị hành hung bởi các đối tượng xấu. Trước thực tế này, bà Hạnh cùng Ban Chấp hành Công đoàn đã đề xuất với công ty lắp đặt nhà nghỉ lưu động để CN có thêm chỗ lưu trú mỗi khi giao ca.
Nhà nghỉ lưu động được công ty triển khai thí điểm tại số 15-17 Hồng Hà, quận Ba Đình. Công trình gồm 1 container có 6 giường, 1 máy điều hòa, 1 nhà vệ sinh khép kín với đầy đủ trang thiết bị từ vòi sen, chậu rửa mặt… Chị Nguyễn Hồng Huệ - Tổ môi trường số 1, Chi nhánh Ba Đình - cho biết từ ngày có nhà nghỉ lưu động, CN rất phấn khởi vì ngày nắng nóng, mưa gió có chỗ để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc nặng nhọc.
Đặc biệt, những ngày tổ kết thúc ca làm việc muộn mà sáng hôm sau phải tổng vệ sinh sớm, CN đi làm xa nhà có chỗ nghỉ ngơi, từ đó hạn chế được rủi ro khi tham gia giao thông. Từ hiệu quả của mô hình này, bà Hạnh cùng Ban Chấp hành Công đoàn tiếp tục đề xuất công ty triển khai lắp đặt nhà nghỉ lưu động tại một số địa điểm khác trên địa bàn thành phố.
Không chỉ là cán bộ Công đoàn hết lòng vì CN, bà Hạnh còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập. Từ CN trực tiếp năm 1992, bà Hạnh bắt đầu học hệ tại chức của Trường Đại học Luật Hà Nội vào năm 1998 và tốt nghiệp năm 2022.
Trưởng thành từ CN trực tiếp nên chị Hạnh luôn thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với đồng nghiệp. Chính điều này đã giúp chị luôn làm mọi điều để chăm lo, bảo vệ tốt nhất cho đoàn viên - lao động" - bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội, nhận xét.
Thể lệ
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)