Đầu năm 2019, sau khi tốt nghiệp văn bằng hai ngành giáo dục mầm non, tôi về làm việc tại Trường Mầm non Khủng Long Con ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM do chị Phạm Thị Mộng Trang sáng lập. Hơn 5 năm làm việc tại đây, tôi được chứng kiến sự phát triển của trường cũng như sự trưởng thành của những lao động trẻ.
Hết lòng với nhân viên
Ngay từ thời phổ thông, chị Phạm Thị Mộng Trang đã quyết tâm theo ngành giáo dục mầm non. Sau khi làm việc tại nhiều trường rồi sinh con trai đầu lòng, chị ấp ủ mở trường riêng, vừa để dạy học vừa chăm sóc con trai mình. Năm 2016, chị mở được ngôi trường đầu tiên.
Tình yêu con và tình yêu học trò cứ lớn dần lên trong lòng chị. Ban đầu, trường chỉ là một nhóm trẻ nhỏ với 15 nhân viên, giáo viên và hơn 10 bé theo học. Dần dà, bằng uy tín và chất lượng cùng sự tận tâm của đội ngũ do chị dẫn dắt, phụ huynh lựa chọn trường để gửi gắm con ngày một đông hơn. Chị thành lập thêm cơ sở để bảo đảm không gian học tập, vui chơi, sinh hoạt của các bé.
Hiện tại, trường đã có hơn 30 lao động với gần 10 lớp trẻ. Số lượng bé càng đông, chị lại càng tâm huyết xây dựng trường như một ngôi nhà thứ hai. Chị thiết kế bếp ăn một chiều với 100% thực phẩm nhập mới mỗi ngày từ công ty uy tín. Tất cả nguyên liệu được sơ chế và chế biến bởi đội ngũ bếp nhiều năm kinh nghiệm, tạo nên thực đơn phong phú, đa dạng cả về chất lượng lẫn khẩu phần ăn cho nhân viên và các bé.
Thế rồi dịch COVID-19 tràn qua, các trường học phải đóng cửa để bảo đảm an toàn cho người dân. Trong ngày dọn dẹp lại đồ dùng trước khi tạm ngưng hoạt động, chị Trang ngổn ngang lo nghĩ. Liệu dịch sẽ kéo dài bao lâu, đội ngũ nhân viên, giáo viên sẽ làm gì để xoay xở qua khoảng thời gian thất nghiệp phía trước. Dù chúng tôi không đi làm, chị vẫn gửi đến từng người khoản lương cơ bản. Chị nói thời điểm trường hoạt động, các cô đã cống hiến hết mình cho trường thì đến khi dịch bệnh, việc chia sẻ với đội ngũ lao động là trách nhiệm của chủ trường.
Dịch tiếp tục kéo dài, để tạo việc làm cho nhân viên, chị hội ý nhân sự và bắt đầu mở bán cơm văn phòng. Từ cô giáo mầm non, chúng tôi được chị phân chia công việc. Nào sơ chế nguyên liệu, sắp xếp suất ăn, làm những món như nước mát, sữa chua, trái cây để có thêm thu nhập. Hình ảnh chị mồ hôi nhễ nhại bưng bê những thùng hàng nặng luôn in đậm trong tâm trí tôi. Nhờ có thu nhập từ bếp ăn mà bản thân tôi cùng các cô giáo đỡ đi phần nào gánh nặng kinh tế.
Lan tỏa tinh thần hướng thiện
Đại dịch đi qua, trường học bắt đầu mở cửa trở lại. Phụ huynh cũ tiếp tục giới thiệu phụ huynh mới, từng lớp học trò rộn ràng đến trường như thuở ban đầu. Đáng quý hơn nữa, đội ngũ nhân viên, giáo viên đều cùng quay trở lại đồng hành với chị để tiếp tục hành trình nuôi dưỡng những thế hệ mầm non. Chị bảo đó là nỗ lực của tập thể còn chị chỉ là người kết nối những mối quan hệ với nhau, nhưng tôi hiểu rằng thành quả có được ngày hôm nay là nhờ vào trái tim nhiệt huyết và kiên trì của chị.
Không chỉ trao chữ tâm trong trường bằng cách luôn lắng nghe, chia sẻ ý kiến cũng như khó khăn của nhân viên như một người chị cả, chị còn xử lý những khúc mắc nhân sự một cách thấu tình đạt lý. Tôi nhớ mãi lời chị nói rằng dù có tình huống nào xảy ra, chỉ cần chúng ta bình tâm và thử đặt mình vào vị trí của người đối diện thì mọi thứ đều giải quyết được. Quan trọng là dù tiêu cực hay tích cực cũng nên giữ cho mình tâm thế sẵn sàng đón nhận, vì khi ấy chính là lúc cuộc đời trao cho mỗi người bài học để trưởng thành hơn.
Chị Trang cũng là người tích cực tổ chức chương trình thiện nguyện hằng năm. Ngoài tổ chức bán tranh, bán túi vải, mở hội chợ gây quỹ để gửi gạo, sữa, nhu yếu phẩm đến các em bé mồ côi, chị còn thường xuyên trích thu nhập cá nhân gửi đến người dân vùng cao, vùng bão lũ. Đặc biệt, chị còn đồng hành với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nhà Bè trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Chính những hành động đẹp ấy của chị lan tỏa đến nhân viên, giáo viên và cả những cô cậu bé học trò về sự sẻ chia và lòng yêu thương, tựa như câu nói "lá lành đùm lá rách". Không chỉ riêng tôi mà những ai tiếp xúc với chị Trang đều cảm nhận chị là người lãnh đạo tận tâm, luôn dìu dắt, lắng nghe và chia sẻ với nhân viên. Chị còn là tấm gương sáng về lòng nhân ái và sống có trách nhiệm với xã hội.
Bà Lại Thị Mai Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nhà Bè, TP HCM - nhìn nhận: "Cô Trang là người giàu lòng thương trẻ, chân thành và đầy trách nhiệm. Nhiều năm qua, cô đã giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần để các em có tương lai tươi sáng. Việc làm nhân văn của cô không chỉ giúp đỡ trẻ em mà còn lan tỏa yêu thương, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tài năng, sống có trách nhiệm, đưa đất nước phát triển bền vững."
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)