Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) đã thảo luận dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), trong đó bổ sung thêm nội dung liên quan đến Công đoàn Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Công đoàn. Việc sửa đổi nhằm phù hợp trước yêu cầu của việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Khẳng định vai trò, phù hợp tình hình mới
Trao đổi tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Luật Công đoàn năm 2024 được QH thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào ngày 27-11-2024. Việc xem xét sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024 lần này tập trung vào những nội dung liên quan đến tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn với việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc tinh gọn trong mối quan hệ giữa cơ quan MTTQ Việt Nam với tổ chức Công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội; bỏ chính quyền cấp huyện đồng nghĩa là bỏ LĐLĐ cấp huyện; kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn lực lượng vũ trang là những nội dung chính phải xem xét trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trao quà hỗ trợ người lao động khó khăn tại quận 6. Ảnh: THANH NGA
Góp ý cho dự thảo luật, PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch QH, nhấn mạnh: "Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn lần này thể chế hóa chủ trương lớn. Do vậy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung cần lưu ý tổ chức Công đoàn còn có tính chất đặc thù so với các tổ chức chính trị - xã hội khác, hoàn toàn xứng đáng có quyền tham gia sáng kiến pháp luật".
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập, việc khẳng định Công đoàn Việt Nam là "đại diện của người lao động (NLĐ) ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn" theo dự thảo là phù hợp trong tình hình mới, đồng thời củng cố vai trò của Công đoàn. Cụm từ này cũng được bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại điều 10 về Công đoàn Việt Nam.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn, cho rằng việc kế thừa quy định về Công đoàn Việt Nam tại điều 10 của Hiến pháp (sửa đổi) rất cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện cho giai cấp công nhân và NLĐ ở cấp quốc gia và quốc tế.
Thể hiện được tính chủ động
Tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2024, ông Hoàng Liên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, cho rằng hầu hết các nội dung sửa đổi đã phù hợp khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, ông Hoàng Liên đề nghị giữ nguyên cụm từ "giám sát, phản biện xã hội" tại điều 1 Luật Công đoàn năm 2024. Bởi đây là một trong số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Việt Nam. Theo ông, giữ nguyên cụm từ này thì Công đoàn sẽ được chủ trì giám sát, phản biện xã hội, qua đó thể hiện được vai trò và tính chủ động của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Điều này thống nhất với hoạt động chủ trì giám sát, phản biện xã hội được quy định tại điều 16 và 17 của dự thảo luật này.
Tài chính Công đoàn cũng là một trong những vấn đề được quan tâm. Nhiều đại biểu đánh giá tài chính Công đoàn có đặc thù riêng bởi có sự đóng góp trực tiếp của đoàn viên, NLĐ và cả doanh nghiệp (2% kinh phí). Do đó, các nội dung liên quan tài chính Công đoàn cần quy định rõ trong sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024 và các luật liên quan, làm sao để bảo đảm sự chủ động, độc lập của Công đoàn, chăm lo kịp thời cho đoàn viên, NLĐ và có sự giám sát chặt chẽ.
Bà Châu Thị Ngọc Liên, một cán bộ Công đoàn cơ sở tại TP HCM, chỉ ra rằng tài chính Công đoàn rất quan trọng, bảo đảm các hoạt động của Công đoàn kịp thời, hiệu quả và đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên. Bà nêu ví dụ tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, công ty bà gặp rất nhiều khó khăn, phải tạm ngưng hoạt động.
"Khi ấy, các cấp Công đoàn từ cơ sở, cấp trên, LĐLĐ thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những gói hỗ trợ về vật chất (tiền, thực phẩm, thuốc…) rất cụ thể và sớm, giúp nhiều công nhân phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương của công ty tôi trụ được qua giai đoạn khó khăn nhất" - bà Liên cho hay.
Bình luận (0)