Tại Hội thảo quốc tế về quan hệ lao động và pháp luật lao động năm 2024 do Trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp với Trường ĐH Nanhua (Đài Loan - Trung Quốc) tổ chức mới đây, các đại biểu đánh giá cao vai trò của thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong việc góp phần hài hòa lợi ích các bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Chất lượng thỏa ước chưa bảo đảm
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT luôn được chú trọng thực hiện và mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Cụ thể, từ năm 2019-2022, cả nước có trên 14.000 TƯLĐTT tại doanh nghiệp (DN) được ký mới (tăng 9,79 lần so với giai đoạn 2013-2018), nâng tổng số TƯLĐTT lên 42.324 bản.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 Việt Nam bắt đầu thí điểm thực hiện TƯLĐTT ngành hoặc TƯLĐTT có nhiều DN (viết tắt là TƯLĐTT nhóm DN). Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm đã lần đầu tiên được thực hiện tại Hải Phòng với 6 DN điện tử; nhóm 4 DN du lịch tại TP Đà Nẵng và nhóm 4 DN may mặc tại TP HCM. Sau đó, việc ký kết TƯLĐTT nhóm DN đã được mở rộng thí điểm tại một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai... Đến nay, đã có 22 TƯLĐTT nhóm DN đã được ký kết với 224 chủ DN (sử dụng hơn 120.000 lao động).
Theo nhóm nghiên cứu của bà Nguyễn Hoàng Hải My (Khoa Luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng), với tỉ lệ 71,7% đơn vị có Công đoàn cơ sở ký TƯLĐTT tại DN, tuy đạt được mục tiêu mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra nhằm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị là đến năm 2023 có 70% đơn vị, DN có tổ chức Công đoàn trở lên có TƯLĐTT, song, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT chưa được DN thực hiện một cách nghiêm túc, chủ yếu làm hình thức, đối phó và chất lượng TƯLĐTT chưa cao (giai đoạn 2018- 2022, TƯLĐTT đạt loại A, chiếm từ 11,01% - 14,22%). Nội dung thỏa ước chủ yếu sao chép luật, tuy dài nhưng không có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ.
Đối với TƯLĐTT nhóm DN, theo nhận định của Nhóm tác giả Lê Thị Thúy Huỳnh (Khoa Luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng), loại hình này có chung đặc điểm là hầu hết được ký với các DN trong cùng một ngành và khu vực địa lý, do LĐLĐ địa phương đại diện cho NLĐ ký kết. Thực tế cho thấy các TƯLĐTT nhóm DN đã mang lại những cải thiện về điều kiện làm việc, thu nhập, phúc lợi cho NLĐ, đồng thời, nâng cao hình ảnh DN, cải thiện quan hệ lao động tại các đơn vị.
Tuy nhiên, so với số lượng DN được khảo sát, vận động, số DN tham gia ký kết còn thấp; các DN tham gia chủ yếu có quy mô vừa và lớn (bình quân từ 100 lao động trở lên), chưa có sự góp mặt của các DN nhỏ, siêu nhỏ nên chưa mang tính phổ quát ngành và khu vực; kết quả của việc ký kết thỏa ước chủ yếu đến từ nỗ lực của các Công đoàn cấp trên, còn phía NSDLĐ khá thụ động...
Cần có chế tài
Theo các chuyên gia lao động, nguyên nhân chủ yếu của việc ký TƯLĐTT chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao là do mối quan hệ giữa NSDLĐ và Công đoàn cơ sở bất cân xứng. Đại diện phía NLĐ chưa thực sự là người "có tiếng nói" trong DN, thường làm kiêm nhiệm, hưởng lương từ DN, kỹ năng thương lượng yếu. Đồng thời, sự can thiệp của NSDLĐ vào hoạt động Công đoàn ngày càng phức tạp, tinh vi nên cán bộ Công đoàn chưa phát huy được hết vai trò khi thương lượng, dẫn đến nhiều nội dung của TƯLĐTT còn xuất phát từ ý chí của NSDLĐ.
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật lao động của NSDLĐ và kiến thức pháp luật của NLĐ còn hạn chế, song vì đang trong quá trình tinh giản biên chế nên số lượng lẫn năng lực của đội ngũ thanh tra lao động chưa đáp ứng nhu cầu để bảo đảm sự thực thi pháp luật lao động trên thực tế của thị trường lao động.
Cùng với đó, pháp luật hiện hành chưa có biện pháp chế tài đối với hành vi không thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT dẫn đến còn nhiều DN thoái thác thi hành. Ngoài ra, theo ông Vũ Hữu Tuyên, cựu cán bộ Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), để thực hiện các cam kết quốc tế về lao động tại các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tại Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã có một số thay đổi liên quan đến thương lượng tập thể.
Cụ thể, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện NLĐ với một bên là một hoặc nhiều NSDLĐ hoặc tổ chức đại diện NSDLĐ. Mặc dù BLLĐ đã có hiệu lực từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện chi tiết về tổ chức đại diện NLĐ trong DN.
Để nâng về chất và lượng của TƯLĐTT trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các chuyên gia lao động cho rằng cần đẩy mạnh vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể.
Theo đó, trước tiên cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó chú trọng việc bổ sung hành lang pháp lý trong xử phạt DN từ chối ký thỏa ước; làm rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho các bên tham gia cũng như việc xây dựng, cung cấp các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, quan hệ lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể; có cơ chế thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, Công đoàn, tổ chức đại diện NSDLĐ trong việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý, giám sát quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước để bảo đảm nội dung TƯLĐTT không trái pháp luật, hiệu quả thực thi cao.
"Cần nâng cao nhận thức của cả NSDLĐ và NLĐ trong việc ký kết thỏa ước cũng như chất lượng hoạt động Công đoàn theo hướng đẩy mạnh thành lập Công đoàn tại các đơn vị chưa có Công đoàn cơ sở. Đồng thời, chú trọng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng đàm phán cho cán bộ Công đoàn"- bà Nguyễn Hoàng Hải My, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng khuyến nghị.
Bình luận (0)