Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Điều 48 của Nghị định trên quy định về mức vốn vay để mua, thuê nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:
Trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, tối đa không quá 1 tỉ đồng (trước đây tối đa là 500 triệu đồng), có căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá xây dựng nhà ở của cấp có thẩm quyền và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Khi nghe tin này, chị Phạm Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Nidec Copal- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), rất vui mừng. Rời quê lên TP HCM gần 20 năm, chị Liên không nhớ nổi mình đã đổi chỗ ở bao nhiêu lần. Nơi thì mùa nắng nóng hầm hập như chảo lửa, mưa thì ngập nước. Chỗ thì chủ trọ tăng giá vô lý, cộng thêm nhiều khoản phí không tên... đó là những nguyên do khiến gia đình chị Liên không thể an cư.
Chỗ ở mới nhất của gia đình chị Liên là căn phòng trọ có diện tích khoảng 12 m2 nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát, có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 3 thành viên.
Giá thuê phòng 2,2 triệu đồng/tháng nhưng phòng trọ đã xuống cấp do nhiều năm chưa được cải tạo, sửa chữa. Những ngày gần đây, khi nắng nóng đỉnh điểm, vợ chồng chị phải lắp thêm tấm cách nhiệt trên trần nhà để chống nóng. Chồng chị là nhân viên bảo trì, thu nhập không ổn định.
"Nếu được vay tối đa 1 tỉ đồng thì hi vọng mua được nhà ở xã hội của vợ chồng tôi may ra thành hiện thực. Với số tiền vợ chồng dành dụm được, cộng thêm tiền mượn từ gia đình, chúng tôi có thể đóng được số tiền ban đầu, phần còn lại sẽ vay và trả dần" - chị Liên nói.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, cần thực hiện thật tốt, thật nghiêm túc đề án 338 của Thủ tướng chính phủ về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó đã nêu khá rõ về các biện pháp, giải pháp, cơ chế chính sách của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan.
Câu chuyện về quy hoạch, quỹ đất rất quan trọng, cùng với đó là tạo nguồn vốn bền vững, nên có quỹ phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo nguồn vốn bền vững, huy động nguồn lực, huy động vốn từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau…
Cùng với đó, cần cắt giảm thủ tục hành chính, từ đầu tư, triển khai dự án và các thủ tục, quy trình đối với lựa chọn đối tượng để cho mua, thuê nhà ở xã hội rõ ràng, đơn giản hóa, sát với thực tiễn hơn.
Theo ông Lực, các địa phương cần phối hợp để xây dựng hệ sinh thái nhà ở xã hội, tức nhà ở xã hội phải có đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.
"Đặc biệt, cần có hệ thống giao thông thuận lợi thì mới đảm bảo tính hấp dẫn của nhà ở xã hội đối với người mua nhà hay thuê nhà; Cần sự phối hợp giữa các bên liên quan bao gồm các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghiệp… mới đảm bảo triển khai hiệu quả nhà ở xã hội" - ông Lực nhấn mạnh.
Đối tượng cho vay nhà ở xã hội
Là người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức.
Lưu ý: các đối tượng phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên (trừ đối tượng người có công với cách mạng); đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thời hạn cho vay tối đa của chương trình là 25 năm.
Bình luận (0)