Không ít người thắc mắc trong bối cảnh ngành y tế đang quá tải, thiếu hụt nhân lực, mặt bằng y tế chưa đồng đều… thì nâng cấp một số bệnh viện liệu có cần thiết?
Câu hỏi đặt ra khá chính đáng nhưng thời cuộc hiện nay đã khác, tốc độ phát triển xã hội đã nhanh hơn gấp nhiều lần nên không thể nâng cấp ngành y tế theo cách rộng khắp, tịnh tiến theo thời gian và dễ bỏ qua các cơ hội tạo đột phá cho toàn ngành.
Theo thống kê của các cơ quan y tế, mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 2 tỉ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Còn theo một số cơ quan y tế của Mỹ, con số này có thể lên đến 3 tỉ USD. Những năm qua, ngành y tế của Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Đội ngũ y - bác sĩ chuyên ngành trình độ cao và trang thiết bị được đầu tư rất hiện đại, không thua kém gì một số nước trong khu vực ASEAN.
Tuy vậy, việc phổ biến và truyền thông đến người dân còn hạn chế nên vẫn chưa được biết đến nhiều, nhất là những người thu nhập cao.
Nâng cấp một số bệnh viện ngang tầm quốc tế chính là bước vào một cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các nước. Trong quá trình này, các bệnh viện trên sẽ làm cánh chim đầu đàn dẫn dắt để dần nâng cấp, nâng chất lượng phục vụ người dân của các bệnh viện khác. Đây là mô hình tạo đột phá và cũng khẳng định lại vị trí của cả ngành y.
Singapore là điểm đến khám chữa bệnh của rất đông người dân nhiều nước của các châu lục. Hệ thống y tế này đã rất phát triển và trở thành nguồn thu rất lớn của ngành kinh tế quốc gia. Tuy vậy, những nhà quản lý y tế Singapore luôn tự đặt mình trong tư thế đang bị cạnh tranh gay gắt và cần phải làm nhiều hơn nữa để cạnh tranh với các trung tâm chăm sóc sức khỏe khác trong khu vực.
Để bảo đảm cho sự thành công, Bộ Y tế Singapore và các bệnh viện công lập và tư nhân, các trường đại học và các cơ sở y tế khác xác định sẽ tiếp tục cùng nhau hợp sức phát triển trong 4 lĩnh vực ưu tiên, đó là: cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; đào tạo chuyên ngành sức khỏe và quản lý y tế; nghiên cứu và phát triển y sinh học; quản trị bệnh viện. Điều này cho thấy bức tranh về sự cạnh tranh y tế rất mạnh mẽ nên các quốc gia đang phát triển không thể đứng ngoài cuộc, kể cả Việt Nam.
Chúng ta tham gia vào cuộc cạnh tranh này trong bối cảnh khó khăn hơn nhiều: dân số đông, hệ thống bệnh viện công cáng đáng trách nhiệm quá lớn, hệ thống bệnh viện tư chưa nhiều, công nghệ y tế còn hạn chế… Mục tiêu trước mắt là giành lại khách hàng từ ngay sân nhà, có nguồn thu tốt mới đầu tư để cạnh tranh thu hút khách hàng từ các quốc gia khác. Đầu tư có trọng tâm này mang lại kết quả tốt sẽ là động lực để thực hiện các chiến lược y tế đã được Chính phủ đặt ra: Phát triển hệ thống y tế cơ sở, nâng tỉ lệ bác sĩ trên số dân, nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân…
Bình luận (0)