Giới hạn thời gian làm việc của tài xế không được quá 48 giờ/tuần là một trong những quy định đáng chú ý của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ - có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Quy định này, từ góc nhìn y khoa, không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe của tài xế mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tật tại Việt Nam.
Cơ thể con người có những giới hạn sinh lý mà khi vượt qua sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đối với tài xế, ngồi lái xe liên tục trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ cơ xương, nhất là vùng cột sống, khung chậu và các khớp chân, tay. Những áp lực liên tục này có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính như thoái hóa cột sống, đau mỏi cơ bắp, đau lưng mạn tính...
Không dừng lại ở đó, các vấn đề về tim mạch cũng có thể phát sinh do tài xế ít vận động trong suốt thời gian lái xe. Việc ngồi lâu và thiếu vận động làm giảm tuần hoàn máu, tăng nguy cơ hình thành huyết khối và các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí đột quỵ. Những tài xế có tiền sử về bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc béo phì càng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nếu làm việc quá giờ.
Bên cạnh sức khỏe thể chất, tâm lý của tài xế cũng bị ảnh hưởng khi phải lái xe liên tục mà không được nghỉ ngơi. Căng thẳng, lo âu, mệt mỏi... là tình trạng phổ biến khi tài xế phải duy trì sự tập trung trong thời gian dài. Việc thiếu ngủ và rối loạn chu kỳ giấc ngủ sẽ làm tài xế giảm khả năng phản xạ và tập trung, tăng nguy cơ gây TNGT. Cảm giác mệt mỏi cũng làm tăng nguy cơ mất tập trung, dễ lơ đễnh khi lái xe, từ đó không chỉ đe dọa tính mạng của tài xế mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Quy định giới hạn giờ làm việc với tài xế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu TNGT. Tại các quốc gia này, tài xế phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giờ làm việc tối đa trong ngày cũng như trong tuần. Nếu vi phạm, họ sẽ đối mặt các hình thức chế tài nặng, từ phạt tiền cho đến thu hồi giấy phép lái xe.
Bài học từ các quốc gia đó cho thấy việc giới hạn thời gian lái xe không chỉ giúp giảm thiểu TNGT mà còn bảo vệ sức khỏe dài hạn của tài xế, giúp họ duy trì hiệu suất làm việc ổn định và an toàn hơn.
Tại Việt Nam, năm 2023 xảy ra 22.067 vụ TNGT làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người; trong đó đường bộ 21.880 vụ với 11.498 người chết, 15.255 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 12.350 vụ TNGT làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người… Phần lớn những vụ TNGT này đều có nguyên nhân từ tài xế.
Vì vậy, quy định giới hạn giờ làm việc của tài xế trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một bước tiến cần thiết, cần cấp bách thực hiện. Đây không chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cá nhân tài xế mà còn bảo vệ an toàn cho tất cả những người tham gia giao thông; đồng thời tạo ra môi trường làm việc lành mạnh hơn cho những người làm nghề lái xe.
Bình luận (0)