Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đồng thời có thêm các khoản phụ cấp tùy thuộc vào tính chất công việc và vùng công tác.
Dự thảo không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp giáo dục.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc
Bên cạnh chính sách về tiền lương, Điều 26 Dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định rõ các chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm.
Cụ thể là chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường; các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.
Ngoài chính sách chung quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác.
Trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ.
Theo đó, được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Được hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.
Hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.
Ngoài các chính sách hỗ trợ quy định như trên, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có.
Địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Giáo viên mầm non được đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn Luật sư Bình Phước, nhận xét dự thảo Luật Nhà giáo đang mang đến những tín hiệu tích cực cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước, đặc biệt với đề xuất xếp lương ở vị trí ưu tiên nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và khả năng giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.
Còn giáo viên Nguyễn Đăng Thư, Trường Mầm non huyện Bình Chánh (TP HCM), cho hay khi biết về Dự thảo Luật Nhà giáo, cô và các giáo viên ở trường rất vui vì thấy nghề giáo được đặc biệt quan tâm.
"Chúng tôi vui hơn khi dự thảo luật quy định nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy giáo dục hòa nhập và nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn... được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ như thuê nhà công vụ hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… vì các giáo viên thuộc nhóm này đã rất thiệt thòi, cần được đặc biệt quan tâm"- cô Thư nói.
Bình luận (0)