xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người giữ mốc biên cương

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

Với anh Giàng A Chìa, người tình nguyện trông giữ 4 mốc biên giới thì việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân

Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vốn nổi danh là vùng đất của "hoa về trong đêm hơi" với những "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm". Lên mảnh đất cực Tây xứ Thanh, tôi có dịp cùng anh Giàng A Chìa (người dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) tham gia chuyến tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung.

Một phần máu thịt không thể tách rời

Bản Ón là nơi xa và có địa hình hiểm trở nhất mà Đồn Biên phòng Tam Chung đang quản lý. Con đường từ Đồn Biên phòng Tam Chung vào bản dài 19 km, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu.

Đây cũng là bản nghèo nhất của huyện Mường Lát với 110/113 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo, 100% dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về sinh sống. Nơi đây từng được biết tới là trọng điểm về buôn bán ma túy qua biên giới, nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại. Vì vậy, việc bảo vệ ổn định cột mốc, giữ vững an ninh biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trên địa bàn của bản Ón có 4 cột mốc, từ 270 đến 273. Hơn 30 năm qua, gia đình anh Giàng A Chìa thay nhau trông coi, bảo vệ cột mốc. Tuổi thơ của anh là những năm tháng theo cha trèo đèo lội suối đi thăm cột mốc.

Hồi ấy, quãng đường hơn 15 km lên mốc G3 (giờ là 270) với những dốc đứng, suối sâu... vô cùng khó khăn, hiểm trở. Hai cha con phải đi từ sáng sớm tinh mơ, cha đi trước vừa đi vừa phát quang dây rừng, cỏ dại; Chìa lẽo đẽo theo sau như cái đuôi. Nhiều hôm trời mưa, rừng tối, đường trơn trượt nhưng hai cha con vẫn không bỏ buổi kiểm tra khi còn dang dở. Mỗi chuyến đi rừng thăm mốc, Chìa được nghe cha giảng về ý nghĩa của cột mốc, về tầm quan trọng của việc phải giữ gìn, chăm sóc cột mốc như chăm sóc ngôi nhà của mình vậy.

Trung tá Trịnh Gia Ngọ và anh Giàng A Chìa bên cột mốc 270

Trung tá Trịnh Gia Ngọ và anh Giàng A Chìa bên cột mốc 270

Cha của anh Chìa đã có hơn 30 năm tình nguyện trông coi cột mốc. Khi cha tuổi cao sức yếu, không thể đảm nhận được nữa, chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung đồng ý giao lại công việc trông coi cột mốc cho anh Chìa. Cha anh mất năm 2016, khi ông gần 70 tuổi. Anh Chìa còn nhớ mãi trước khi nhắm mắt, đôi mắt cha vẫn không thôi hướng về rừng - nơi đã gắn bó với cả cuộc đời và là một phần máu thịt không thể tách rời của ông.

Anh nhớ mãi lời cha dặn: "Bảo vệ đường biên, cột mốc là bảo vệ chính mình, gia đình mình, bảo vệ bản làng mình".

Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc. Giàng A Chìa yêu Tổ quốc bằng những việc làm bình dị. Hơn 20 năm qua, dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, anh vẫn đều đặn lên thăm, kiểm tra cột mốc. Với anh, việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân.

Vì bình yên biên giới

Buổi sáng tinh mơ, chúng tôi cùng các chiến sĩ bộ đội và anh Giàng A Chìa lên mốc 270. Anh Chìa đi lại rất nhanh nhẹn, thoăn thoắt như con sóc rừng. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Giàng A Chìa đã có thời gian hơn 20 năm tình nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Hành trang tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, ngoài những vật dụng đi rừng cần thiết, Giàng A Chìa còn mang theo một can nước sạch để lau chùi cột mốc, bảo đảm cột mốc luôn sạch sẽ.

Trung tá Trịnh Gia Ngọ, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung, cho biết đồn được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 7,347 km đường biên giới với 4 mốc quốc giới từ 270 đến 273. Nếu tuần tra khép kín thì để qua 4 cột mốc phải đi từ 2 đến 3 ngày, tùy vào điều kiện thời tiết. Các chiến sĩ hành quân ròng rã trên các địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và nhiều hiểm nguy rình rập. Theo trung tá Ngọ, nhờ có sự chung sức đồng lòng của người dân vùng biên mà cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Cuối hành trình, chúng tôi phải đi bộ vượt con dốc cao khoảng 200 m mới lên được mốc 270. Vừa leo dốc tôi vừa thở hổn hển, đôi chân mệt nhoài. Ấy vậy mà các chiến sĩ và người đàn ông người Mông kia chẳng mấy chốc đã leo đến đỉnh rồi. Có đi cùng mới thấm cái sự mệt nhọc, vất vả của người leo núi. Có tận mắt thấy người đàn ông tóc hoa râm cõng nước, lau khăn tỉ mỉ làm sáng lên cột mốc hoa cương mới biết tấm lòng yêu thôn bản và trách nhiệm giữ gìn biên cương Tổ quốc của người Mông lớn đến nhường nào. Giàng A Chìa đã nối nghiệp cha mình một cách tận tâm như thế.

Trong tiếng xào xạc của lá rừng nơi đồi núi cao, anh Chìa nhớ lại những ngày tháng vất vả cùng bà con bản Ón và bộ đội biên phòng dựng cột mốc. Mỗi cột mốc dựng lên giữa núi rừng hoang vu là cả một câu chuyện dài, một quá trình khảo sát, định vị, đàm phán, trao đổi thống nhất giữa hai bên rồi mới tiến hành cắm mốc.

Hành trình cắm cột mốc biên cương vô cùng gian nan, vất vả. Thời điểm đó đường sá đi lại xa xôi, hiểm trở, việc vận chuyển nguyên vật liệu vào bản, nhất là đến các vị trí xây dựng cột mốc, vô cùng khó khăn. Từng người dân trong bản góp công, góp sức hỗ trợ với lực lượng biên phòng cõng từng bao xi măng, từng gùi đá, gùi cát, lấy cây rừng làm gậy. Mỗi cột mốc nặng cả tấn, làm từ đá nguyên khối, lại không có đường mòn nên người dân cùng với bộ đội biên phòng phải làm ròng rọc, hò nhau kéo lên từng đoạn một...

Nhận thức được tầm quan trọng của cột mốc và việc bảo vệ cột mốc, bất kể ngày nắng hay mưa, người đàn ông dân tộc Mông ấy không ngại vất vả lặn lội đến từng hộ gia đình trong bản, nói cho bà con hiểu mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên cột mốc; tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn an ninh, trật tự bản làng...

Từ việc làm của anh Giàng A Chìa, nhiều hộ gia đình trong bản Ón đã tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản cũng như tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới; chung tay cùng bộ đội biên phòng bảo vệ sự bình yên biên giới. 

Chẳng vì mưu cầu lợi ích, những người con đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới xa xôi, hẻo lánh đã nối tiếp truyền thống cha ông, nguyện dành cả cuộc đời trông coi, chăm sóc cột mốc biên giới. Họ thể hiện tình yêu đất nước bằng cách góp một phần công sức nhỏ bé cùng với những người lính mang quân hàm xanh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Người giữ mốc biên cương- Ảnh 4.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo