icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Dưới bóng cờ Tổ quốc

Huyền Trần

(NLĐ) - Có lẽ từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đều mong một lần được đến với điểm cực Bắc thiêng liêng này, tự hào nhìn lá cờ dân tộc tung bay trên cột cờ Lũng Cú

"Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/Như sông, như núi, như người Việt Nam/Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa"... (trích bài thơ Nguyễn Văn Trỗi; tác giả Lê Anh Xuân)

Tôi đã nghe nhiều lần những câu thơ này và tự nhủ sẽ một lần đặt chân đến miền đất Hà Giang. Với tôi Hà Giang không chỉ là miền đất của hoa, của đá núi, của những thắng cảnh tráng lệ hùng vĩ, văn hóa đặc sắc mà còn là miền địa đầu Tổ quốc thiêng liêng.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Dưới bóng cờ Tổ quốc- Ảnh 1.

Quang cảnh tuyệt đẹp nơi địa đầu Tổ quốc: Cột cờ Lũng Cú

Xuất phát từ TP Hà Giang, chúng tôi thẳng hướng cao nguyên đá Đồng Văn với bao nhiêu háo hức dù thời tiết bên ngoài cả ngày không vượt quá 10 độ C.

Những ngày đầu xuân Hà Giang lúc nào cũng tấp nập du khách lên ngắm hoa đào hoa mận. Nậm Đăm, Cao Mã Pờ, Phó Bảng, Sủng Là… mỗi địa danh đều để lại ấn tượng sâu sắc: là rừng hoa rực rỡ, là chén rượu ngô cay nồng, là chiếc bánh tam giác mạch nóng hổi thơm lừng, là buổi chợ phiên rộn ràng tiếng nói cười.

Thế nhưng không biết từ bao giờ, trong những chuyến đi đây đó, tôi lại dành tình cảm đặc biệt cho những cột mốc, những cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Như thể chỉ cần nhìn về nơi ấy, biết rằng mình đang được sống một thời đại hòa bình, tự do đi đến bất cứ đâu trên từng tấc đất non sông. Cả ngày, tôi chờ mong thời khắc đến được cột cờ Lũng Cú thiêng liêng.

Có lẽ từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đều mong một lần được đến với điểm cực Bắc thiêng liêng này, tự hào nhìn lá cờ dân tộc tung bay trên cột cờ Lũng Cú, phóng tầm mắt nhìn khung cảnh bình yên của xóm làng bên dưới.

Để có ngày hôm nay, biết bao người đã ngã xuống, biết bao xương máu đã thấm vào lòng đất. Cột cờ Lũng Cú đã trở thành một biểu tượng vững chãi khẳng định chủ quyền đất nước, là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc.

Cột cờ cao 33,15m, diện tích lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước, chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn của mặt trống đồng Đông Sơn.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Dưới bóng cờ Tổ quốc- Ảnh 4.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Dưới bóng cờ Tổ quốc- Ảnh 5.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Lũng Cú

Chúng tôi nhìn thấy những bạn trẻ mặc áo đỏ vui vẻ chụp hình, những em bé leo từng bậc thang, những bậc cao niên trên ngực áo nặng trĩu huân huy chương đứng lặng lẽ trang nghiêm ở cột cờ Lũng Cú. Hẳn nhiều người trong số các bác ấy từng là những thanh niên xung phong treo mình trên vách đá tham gia mở tuyến đường Hạnh phúc (tuyến đường thuộc quốc lộ 4C, bắt đầu từ khoảng cột mốc số 0 thành phố Hà Giang đi qua 4 huyện miền cao bao gồm Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc), hay từng là những chiến sĩ vào sinh ra tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Rời cột cờ Lũng Cú, theo lịch trình lẽ ra chúng tôi sẽ về thị trấn Đồng Văn nghỉ đêm nhưng nhìn trên bản đồ thấy chỉ còn một đoạn ngắn sẽ đến Điểm cực Bắc. Một chút do dự thoáng qua rồi ai nấy lại hào hứng nổ máy xe tiếp tục hành trình với suy nghĩ: hiếm có dịp đến tận đây, phải lên tận điểm cực Bắc cho thỏa lòng ao ước.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Dưới bóng cờ Tổ quốc- Ảnh 6.

Tác giả ở điểm cực Bắc

Trời chiều chuyển lạnh và tối rất nhanh, chúng tôi phải chạy đua cùng ông mặt trời sắp đến giờ đi ngủ. Cuối cùng điểm cực Bắc cũng hiện ra trước mắt sau những khúc cua vòng vèo men theo con đường núi.

Thì ra đây chính là mỏm đất nhô cao nhất trên bản đồ đất nước – bản đồ tôi đã luyện vẽ hàng trăm lần những năm học cấp 3. Gió mạnh thổi tà áo dài của tôi bay phấp phới. Tôi cứ để bản thân mình lặng lẽ ngắm nhìn và ghi nhớ cảnh tượng này: bầu trời này, mặt đất này, dòng sông Nho Quế xanh dưới kia và nụ hoa đào rung rinh trong gió.

Tôi nhẩm theo giai điệu bài hát đã từng nghe nhiều lần và nhận ra phải đứng trong khung cảnh này mới cảm nhận hết ý nghĩa và giai điệu tự hào:

"Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương"… (trích bài thơ Chiều biên giới, tác giả Lò Ngân Sủng, phổ nhạc Trần Chung)

Sau này, dù tôi có dịp đi thêm nhiều nơi, ngắm thêm nhiều cảnh đẹp, nhưng buổi chiều biên giới nơi địa đầu Tổ quốc vẫn mãi là một ký ức đẹp không thể nào quên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo