xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Người tìm lại nụ cười cho bệnh nhân bạch biến

HẠ VY

Dốc hết sức mình tìm lại sự tự tin cho bệnh nhân bạch biến, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang Huy đúc kết: "Lắng nghe, cảm thông và sẻ chia làm tôi hạnh phúc. Bởi cho đi là còn mãi"

Khi mới bước vào giảng đường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Quang Huy (SN 1992), Giám đốc điều hành Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Medcare (TP Thủ Đức, TP HCM), chưa định hướng mình sẽ trở thành một bác sĩ da liễu. Dù từng nghe đến bạch biến nhưng anh chưa có cơ hội hiểu sâu, hiểu rõ về bệnh. Sau khi tốt nghiệp, chính thức khoác áo blouse trắng, bác sĩ Huy bắt đầu đối diện với những ca bạch biến.

Tìm lại màu da, nhận lại nụ cười

Màu tóc, da và mắt ở người phụ thuộc vào loại và lượng sắc tố melanin có trong cơ thể. Bạch biến xảy ra khi thiếu hụt melanin khiến màu da, lông, tóc biến đổi thành trắng toàn diện hoặc loang lổ.

"Do bệnh thể hiện rõ trên diện mạo nên người bệnh thường phải chịu đựng ánh mắt dòm ngó, dò xét của mọi người. Người ác ý còn đặt cho bệnh nhân bạch biến nhiều biệt danh mang tính miệt thị. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn bị gán ghép là bị quả báo, trời hành..." - bác sĩ Huy trăn trở.

Bạch biến không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm suy giảm chất lượng sống. Mặc cảm, tự ti là diễn biến tâm lý đầu tiên của bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này, nhất là phụ nữ và trẻ em. Người bệnh sẽ ngại ngùng khi giao tiếp, thu mình, thậm chí dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.

Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Người tìm lại nụ cười cho bệnh nhân bạch biến- Ảnh 1.

Bà Doãn Thị Tuất xem bác sĩ Nguyễn Xuân Quang Huy như người nhà, dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn thường xuyên ghé thăm

Một trong những bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Huy là một bé trai. Ở tuổi lẽ ra phải vô tư vui đùa thì bạch biến đã khiến cho thế giới của em thu hẹp trong những nỗi buồn triền miên. Khi được điều trị thành công, cậu bé mới tự tin giao tiếp, có bạn bè. Quan trọng hơn, em khi đó mới tin mình có thể khỏe mạnh, bình thường, bản thân không làm gì sai để phải "nhận lãnh" những suy diễn ác ý của một số người.

"Ngày cậu bé tìm lại nụ cười, tôi như được tiếp thêm động lực, vững vàng, quyết tâm hơn vào việc nghiên cứu, tìm hiểu bệnh bạch biến và những phương pháp điều trị hiệu quả" - bác sĩ Huy tâm sự.

Theo bác sĩ Huy, bệnh bạch biến có thể liên quan đến bệnh tự miễn, gien, căng thẳng, tác nhân môi trường, hóa chất độc hại… Do căn nguyên đa dạng nên việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như diễn tiến của bệnh rất khó khăn.

"Không có công thức chữa bệnh chung cho tất cả bệnh nhân bạch biến, tùy mỗi trường hợp mà phải kết hợp điều trị bằng các loại thuốc bôi khác nhau, liệu pháp quang trị liệu hoặc laser" - bác sĩ Huy nói.

Qua nhiều năm đi tìm lại màu da cho bệnh nhân bạch biến, "chìa khóa" của bác sĩ Huy là sự kiên nhẫn. "Nếu khám các căn bệnh khác cần 5-10 phút thì với bệnh nhân bạch biến, thời gian phải gấp đôi, gấp ba, thậm chí cả giờ đồng hồ. Người thầy thuốc phải có sự nhẫn nại, ân cần tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện của từng người bệnh. Trò chuyện không chỉ giúp bác sĩ hiểu tình trạng của bệnh nhân mà còn giúp chính họ hiểu tình trạng của mình để bình tĩnh, tự tin, kiên trì và hợp tác điều trị" - bác sĩ Huy giải thích.

Không chỉ dốc hết sức trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Huy luôn ý thức học hỏi, tìm tòi các kiến thức y khoa về căn bệnh này từ các tài liệu ở nước ngoài. Anh cũng đã dày công nghiên cứu, đóng góp cho nhiều hội thảo y khoa quốc tế các công trình tâm huyết của mình. Điển hình là báo cáo về ca MF (Hypopigmented Mycosis Fungoides - một dạng ung thư da hiếm gặp, thường xuất hiện ở người trẻ, rất dễ chẩn đoán nhầm với các rối loạn giảm sắc tố lành tính như bạch biến, giảm sắc tố sau viêm).

Bác sĩ Huy cũng cùng các cộng sự tại Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Medcare hoàn thành nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân trên bệnh nhân bạch biến tại Việt Nam và nghiên cứu về phương pháp ghép da vi điểm trên những ca khó điều trị như bạch biến ở bàn tay, bàn chân.

Có thời gian dài làm việc với nhau, ông Nguyễn Ngô Phong, Chủ tịch Chi hội Bệnh nhân bạch biến Việt Nam, cho biết rất ấn tượng với anh chàng bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Quang Huy. "Bác sĩ Huy tận tâm và luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho xã hội, đó là điều tôi thấy trân trọng anh vô cùng" - ông Phong chia sẻ.

Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Người tìm lại nụ cười cho bệnh nhân bạch biến- Ảnh 2.

7 năm qua, bác sĩ Huy cùng các cộng sự đã triển khai hàng loạt dự án cộng đồng hỗ trợ người có bệnh rối loạn sắc tố da Ảnh: MINH QUÝ

Tận tụy đồng hành

Khi đồng hành với các bệnh nhân mắc các bệnh lý sắc tố da nói chung và bạch biến nói riêng, bác sĩ Huy nhận thấy sự kỳ thị của xã hội cũng nguy hiểm không kém gì bệnh. Do đó, anh cùng nhiều đồng nghiệp tích cực tuyên truyền, lan tỏa những thông điệp tích cực liên quan đến căn bệnh. Một trong các hoạt động đó là dự án "Xóa bớt - Vẽ tương lai".

Đây là dự án điều trị hoàn toàn miễn phí các bệnh lý về rối loạn sắc tố bẩm sinh (bạch biến, bớt đen, bớt đỏ) cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Với thông điệp "Thay đổi ngoại hình, đổi thay tương lai", sau 7 năm triển khai, dự án đã tổ chức 64 đợt khám cộng đồng, điều trị miễn phí cho hơn 800 bệnh nhân.

Chị Trần Thị Ngân (SN 1999, ngụ TP HCM) là một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia dự án này. Chị bị bệnh hơn 12 năm với vết bạch biến to chiếm nửa mặt phải. Giai đoạn đầu khi tiếp xúc, chị Ngân gần như thu mình, luôn cúi mặt và khóc mỗi khi nhắc về vết loang lổ trên mặt. Nhờ sự động viên của các y - bác sĩ, chị Ngân đã chọn mở lòng, đặt niềm tin vào những "thiên thần áo trắng". Trải qua hơn một năm điều trị với 2 lần ghép thượng bì, vết bạch biến của chị Ngân thuyên giảm đến trên 80%.

"Bác sĩ Huy nhiệt tình, giỏi chuyên môn và thật sự giàu tình thương. Nhờ sự an ủi, quan tâm tận tình của bác sĩ Huy, tôi mạnh dạn đối mặt và điều trị. Cuộc chiến giành lại màu da của tôi đã kết thúc tốt đẹp, mở ra chặng đường đời mới tươi sáng hơn. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn" - chị Ngân bày tỏ.

Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Người tìm lại nụ cười cho bệnh nhân bạch biến- Ảnh 3.

Với bác sĩ Huy, niềm vui của bệnh nhân khi khỏi bệnh là hạnh phúc. Ảnh: MINH QUÝ

Xem bệnh nhân như người nhà

Cũng như chị Ngân, nhiều bệnh nhân khác cũng coi chàng bác sĩ trẻ Quang Huy là ân nhân. Bà Doãn Thị Tuất (SN 1958, ngụ tỉnh Long An) dù đã điều trị khỏi hoàn toàn các vết bạch biến nhưng vẫn thường tìm đến thăm hỏi bác sĩ Huy.

Vài năm trước, khi đã ở tuổi trung niên, bà Tuất đột nhiên bị bạch biến. Những mảng trắng ngày càng lan rộng, chạy chữa nhiều nơi mà không khả quan. Đau khổ, chán chường, bà Tuất nhốt mình trong nhà, mỗi khi bất đắc dĩ phải đi đâu đều trùm kín cả người lẫn mặt mũi. Một lần, con gái bà Tuất tình cờ tìm được thông tin về dự án cộng đồng "Xóa bớt - Vẽ tương lai" nên đưa mẹ đi khám.

Bà Tuất bồi hồi nhớ lại: "Suốt 8 tháng trời, khi thì có chồng con đồng hành, lúc thì lụi cụi một mình tôi vẫn ráng đi 2 chuyến xe buýt rồi lại thêm 1 lượt xe ôm, đều đặn đến phòng khám cho bác sĩ Huy điều trị".

Đường xa mà bà Tuất không hề thấy mệt bởi "cứ sau mỗi lần gặp bác sĩ là mỗi lần thấy khá hơn". Bà Tuất kể: "Bác sĩ Huy là người thầy thuốc vô cùng phúc hậu và thương quý bệnh nhân. Nhiều khi tôi quên mất mình là người bệnh đang gặp bác sĩ, không còn chút căng thẳng, lo âu nào vì Huy luôn nhỏ nhẹ, lễ phép, đầy tình cảm như thể nói chuyện với người nhà. Có lần tôi thoa một loại thuốc mới thì cảm thấy khó chịu, chưa về đến nhà đã thấy tin nhắn bác sĩ Huy hỏi thăm tình hình và dặn dò chi tiết nên theo dõi tiến triển bệnh ra sao. Tôi xúc động rơi nước mắt vì sự quan tâm chu đáo ấy. Bác sĩ bận trăm công ngàn việc mà còn chủ động nhắn hỏi và động viên mình. Nghĩ vậy, tôi càng thêm tin tưởng, kiên trì điều trị". 

Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Người tìm lại nụ cười cho bệnh nhân bạch biến- Ảnh 4.

Bác sĩ Huy chia sẻ với khách tham quan bộ ảnh "Ô cửa và Bầu trời". Ảnh: MINH QUÝ

Thông điệp đầy xúc động

Ngày Bạch biến thế giới (25-6) vừa qua, bác sĩ Huy cùng cộng sự đã có triển lãm ảnh ý nghĩa mang tên "Ô cửa và Bầu trời" ở Đường sách TP HCM và Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.

Trong ngày ra mắt bộ ảnh "Ô cửa và Bầu trời", thông điệp từ ban tổ chức khiến nhiều người xúc động: Mỗi vết bạch biến như một trang nhật ký của quá khứ, ghi dấu những khoảnh khắc và câu chuyện riêng. Mong rằng bộ ảnh lan tỏa rộng rãi, nâng cao nhận thức cộng đồng về bạch biến với tinh thần "Hiểu biết, Tôn trọng và Yêu thương".

Tiếp tục lan tỏa dự án "Xóa bớt - Vẽ tương lai"

Ông Trần Văn Hào, Tổng Thư ký Hội Bệnh nhân bạch biến Việt Nam, đánh giá cao tính nhân văn của dự án cộng đồng "Xóa bớt - Vẽ tương lai" và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp để lan tỏa dự án này đến cộng đồng.

"Tôi tin việc này không chỉ giúp bệnh nhân bạch biến nhận được sự hỗ trợ chính thống, hiệu quả mà còn ngăn chặn họ bị lôi kéo bởi những quảng cáo chữa bệnh mập mờ trên mạng xã hội" - ông Hào nhấn mạnh.

Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Người tìm lại nụ cười cho bệnh nhân bạch biến- Ảnh 5.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo