Miền đất Pê-am (tiếng Khmer, có nghĩa là: Vàm, cửa sông) cho đến cuối thế kỷ XVII vẫn đang còn là một vùng hoang vu, thưa vắng ở bên dòng sông Ten (Tà Ten, tiếng Khmer, nghĩa là: Sông Ten).
Một trong những cảng thuyền thuộc TP Hà Tiên ngày nay. (Ảnh: DUY CƯỜNG)
Từ 10 bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên
Từ năm 1649, nhờ Mạc Cửu - gốc người Minh Hương, quê ở Lôi Châu - Quảng Đông, lấy vợ người Việt là Bùi Thị Lẫm, quê ở dinh Trấn Biên, Đồng Nai - tìm đến khai phá, mới dần dà mà trở nên phồn thịnh.
Mạc Cửu, nương theo truyền thuyết dân gian, nói rằng: Dòng sông Ten là nơi có tiên đến tắm, lại nhân tên sông là Tà Ten, mới/bèn đổi tên gọi (địa danh) của miền đất Pê-am thành: Hà Tiên, với nghĩa tiếng Hán Việt là Sông Tiên, hoặc tiên (tắm ở trong) sông.
Đây là lần thứ nhất Hà Tiên được văn hóa (truyền thuyết và ngôn ngữ) làm cho thăng hoa - bằng mỹ từ diễm lệ - sự làm ăn (kinh tế) thịnh vượng của mình.
Đến năm 1735, Mạc Cửu qua đời, trưởng nam là Mạc Thiên Tích, kế vị và kế nghiệp, đứng đầu việc làm giàu, làm đẹp đất Hà Tiên.
Vào và từ năm 1736, ở và từ tuổi 18, sớm kiêm toàn văn võ, Mạc Thiên Tích đã vung bút, làm được 10 bài thơ chữ Hán rất hay, vịnh cảnh Hà Tiên, gọi là "Hà Tiên thập cảnh" hoặc "Hà Tiên thập vịnh".
Mười cảnh Hà Tiên được tài thi ca của Mạc Thiên Tích làm cho bất hủ vẻ đẹp là:
Kim Dư lan đào (Đảo vàng chắn sóng)
Bình Sơn điệp thủy (Dãy núi bình phong trùng điệp màu xanh)
Tiêu Tự thần chung (Tiếng chuông sáng sớm trong ngôi chùa tĩnh mịch)
Giang Thành dạ cổ (Tiếng trống đêm khuya ở tòa thành bên sông)
Thạch Động thôn vân (Hang đá nuốt mây)
Châu Nham lạc lộ (Cò đậu đất đỏ)
Đông Hồ ấn nguyệt (Trăng soi Đông Hồ)
Nam Phố trừng ban (Sáng bừng Nam Phố)
Lộc Trĩ thôn cư (Thôn làng ở mũi Nai)
Lư Khê ngư bạc (Xóm chài ở Rạch Vược).
10 nhan đề của 10 bài thơ như thế, mỗi tên gồm 4 chữ nhưng khi được lưu bút và phổ biến thì chỉ 2 chữ đầu được người đời ghi nhớ. Thế là thành địa danh (địa chỉ) của 10 cảnh đẹp Hà Tiên mà trước khi được "vào" trong thơ thì vẫn chưa có tên gọi, hoặc/thậm chí còn mơ hồ trong hoang sơ.
Đây là lần thứ hai - sau lần thứ nhất, khi Mạc Cửu đặt tên Hà Tiên - lịch sử miền đất và con người ở phương Nam được chứng kiến tác dụng lớn lao của văn hóa (văn học - thi ca) trong sự nghiệp làm thăng hoa cho đất là như thế nào.
Lại đến khi được khắc in - vào năm 1737 - tác giả Mạc Thiên Tích còn dụng công đem 10 tên đầu đề của các bài thơ này, trình bày díu từng đôi một, thành tất cả là 5 đôi, liên kết và đối xứng với nhau, khiến tăng thêm phần thi vị của những cảnh đẹp lên rất nhiều:
Khi díu "Kim Dư lan đào" với "Bình Sơn điệp thủy" thì cảnh Kim Dư hiểm yếu được đem đối lại với cảnh Bình Sơn thanh nhàn.
Díu "Tiêu Tự thần chung" với "Giang Thành dạ cổ" là đem đối xứng tiếng chuông chùa Tiêu với tiếng trống Giang Thành.
Díu "Thạch Động thôn vân" cùng "Châu Nham lạc lộ" là nhấn vào cảnh diễm ảo Thạch Động với cảnh sáng sủa của Châu Nham.
Díu "Đông Hồ ấn nguyệt" với "Nam Phố trừng ban" là nhấn vào cảnh "trăng soi" ở Đông Hồ với cảnh "sáng bừng" của Nam Phố.
Và cuối cùng, ở trường hợp nối "Lộc Trĩ thôn cư" với "Lư Khê ngư bạc" là đem "cá" đối với "nai", đem "khe nước" đối với "mũi đá", đồng thời đem "Ngư bạc" (xóm chài) gắn với thôn cư" (làng quê) để nói lên sự giàu thịnh ở khắp nơi của Hà Tiên.
Vì thế, 10 bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên mới được Lê Quý Đôn trong sách "Phủ biên tạp lục" (1776) đánh giá là: "Không thể bảo rằng ở hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy". Còn Trịnh Hoài Đức ở sách "Gia Định thành thông chí" (1820) thì ca ngợi rằng đây là "Văn chương rực rỡ ở góc biển bên trời".
Một tiết mục trong chương trình Kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2023) Xuân Qúy Mão năm 2023, do TP Hà Tiên tổ chức. Ảnh: TTXVN
Đến sự ra đời của Chiêu Anh Các
10 bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên của Mạc Thiên Tích không chỉ rực rỡ giá trị văn học - thi ca, mà còn thi triển được nhiều công năng quý lạ khác nữa.
Ấy là: Khi được lưu hành, phổ biến, thì người ở khắp nơi - như Trịnh Hoài Đức nói - "đổ xô tìm đến, đua nhau họa vần", tức: Coi những thi phẩm của Mạc Thiên Tích là bài "xướng", còn mọi người thì làm thơ "họa" lại.
Lê Quý Đôn - trong sách "Kiến văn tiểu lục" - đã thống kê: Có đến 31 người (gồm: 25 tác giả người Hoa, 6 tác giả người Việt) đã tham gia, mỗi người làm 10 bài "họa", được tất cả là 310 bài, cộng với 10 bài "xướng" của Mạc Thiên Tích, thành ra là có đến 320 thi phẩm, ngày ấy (tức vào các năm 1736 - 1737) cùng xuất hiện, để bằng thơ ca làm thăng hoa cho đất Hà Tiên.
Và rồi đến lượt mình, khối lượng thi phẩm đồ sộ này lại có tiếp ngay việc tỏa ra 2 nguồn tác động tảng nền. Đó là - như chính Mạc Thiên Tích nói: Thứ nhất, một vựng tập thi tuyển đã ra đời, tồn tại phát huy các giá trị trở thành di sản cho đời sau, khi từ năm 1737 đem khắc in 320 thi phẩm đó thành sách "Hà Tiên thập vịnh". Thứ hai, tập sách thơ đó, vừa là sản phẩm nòng cốt, vừa là "điểm hẹn" để trong khi sáng tác và ngâm vịnh thì chính là cơ hội và điều kiện để hội tụ các tác giả, vào và thành một tổ chức. Đó là Chiêu Anh Các.
Có điều gì đấy ở đây khá giống với sự kiện: Vào cuối thế kỷ thứ XV, ở Thăng Long, vua Lê Thánh Tông, bằng 9 bài thơ - "Quỳnh uyển cửu ca" - của mình, tổ chức thành bài "xướng" cho 28 danh sĩ đương thời, mỗi người cũng làm 10 bài thơ "họa" lại, thế là thành hội thơ "Tao đàn nhị thập bát tú" lừng danh trong lịch sử.
Nhưng "Tao đàn nhị thập bát tú" chỉ tồn tại trong vòng có một năm ở cuối thế kỷ thứ XV. Còn ở đây, Chiêu Anh Các thì lại hoạt động sôi nổi kéo dài đến hơn 30 năm, từ năm 1736 đến tận năm 1771. Trong đó, có thêm danh sĩ Nguyễn Cư Trinh, từ Thuận Hóa vào Gia Định đã tìm đến Hà Tiên "gia nhập" Chiêu Anh Các vào năm 1755, bằng việc cũng là 10 bài thơ "họa" lại "Hà Tiên thập cảnh". Và, với bài học nhận được từ Chiêu Anh Các, khi trở về, họ Nguyễn đã sáng tác được công trình "Quảng Ngãi thập nhị cảnh" nổi tiếng của mình.
Lại nữa, "Tao đàn thập nhị bát tú" chỉ có một "sản phẩm" duy nhất là "Quỳnh uyển cửu ca". Còn Chiêu Anh Các thì, với "Hà Tiên thập vịnh", còn có những "Minh bột di ngư" (tập thi họa - vẽ tranh và viết thư pháp, cho bài phú "Lư Khê nhàn điếu" hơn trăm câu và 32 bài thơ Đường luật), "Thụ Đức hiên tứ cảnh" (gồm 88 bài thơ, "họa" lại 4 bài thơ theo thể loại "hồi văn" của Mạc Thiên Tích). Và rất đặc biệt là "Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh" (422 câu liên ngâm, vừa "lục bát gián thất" vừa "Đường luật bát cú") viết bằng chữ Nôm rất điêu luyện cũng của Mạc Thiên Tích.
Bên cạnh đó, Chiêu Anh Các còn là/ và có/ một tòa kiến trúc vật thể (đang lưu di tích lại ở địa điểm xây dựng chùa Phù Dung, thành phố Hà Tiên hiện nay) để - đúng như tên gọi - làm trụ sở chiêu tập, đón tiếp các anh tài, đồng thời làm nơi thờ phụng các Tiên Hiền và cả dạy học cho các sĩ tử nữa.
Hoa kết cho minh chủ Chiêu Anh Các
Nếu "Tao đàn nhị thập bát tú" có vua Lê Thánh Tông làm nguyên soái, thì Chiêu Anh Các có Mạc Thiên Tích là minh chủ.
Mạc Thiên Tích còn được gọi là Mạc Thiên Tứ - cả 2 tên đều chung nghĩa "Trời ban cho" - mang trong người 2 dòng máu - Minh hương của cha, Việt của mẹ - sinh năm 1718 ở Lũng Kỳ (nay là Sihanouk Ville - Campuchia), cũng lấy vợ người Việt (là bà Nguyễn Thị Hiếu Túc).
Mười tám tuổi, sáng lập được Chiêu Anh Các, rồi đứng đầu các hoạt động văn hóa rất phong phú của Tao đàn này, cho đến năm 1771. Đây cũng là thời gian của những hoạt động kinh tế, chính trị, quân sự sôi nổi và đầy công huân của Mạc Thiên Tích, vừa xây dựng, phát triển không chỉ đất Hà Tiên, mà còn là cả nhiều miền đất phương Nam nữa, vừa đấu tranh gian khó, quyết liệt, bảo vệ vững chắc sự nghiệp Nam Tiến của lịch sử và dân tộc.
Đến và từ năm 1771, Tây Sơn đưa quân vào Nam, đánh đuổi các chúa Nguyễn cuối cùng, Mạc Thiên Tích - trung thành với phe chúa Nguyễn - cũng phải long đong "tẩu quốc", trôi giạt sang Xiêm La. Bị vua Xiêm La đố kỵ và hãm hại, năm 1780, Mạc Thiên Tích đã nuốt vàng đầy họng cho nghẹt thở mà chết.
Cuộc đời làm chính khách của Mạc Thiên Tích đến đây kết thúc. Nhưng sự nghiệp văn hóa lừng lẫy của ông thì vẫn còn mãi, với Hà Tiên, và với cả Phương Nam Đất Nước.
Bình luận (0)