xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người giữ đất: Nguyễn Hữu Huân và ba lần khởi nghĩa

Nhà sử học LÊ VĂN LAN

Là trí thức Nho học, Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng trong công cuộc "Nam Kỳ kháng Pháp" giữa thế kỷ XIX. Ông kiên trì đánh giặc giữ đất, "thua keo này, bày keo khác", liên tục khởi nghĩa đến 3 lần

Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 ở thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Nổi tiếng thông minh, học giỏi, đỗ thủ khoa kỳ thi năm 1852 nên Nguyễn Hữu Huân thường được gọi là "Thủ khoa Huân".

Những người giữ đất: Nguyễn Hữu Huân và ba lần khởi nghĩa - Ảnh 1.

Tên của Nguyễn Hữu Huân được TP HCM sử dụng đặt cho một trường THPT ở TP Thủ Đức

Khởi nghĩa lần thứ nhất

Năm 1859, thực dân Pháp đem quân đánh thành Gia Định. Lúc này, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân đang phụ trách việc học hành, thi cử ở Kiến Hưng, với chức giáo thụ.

Cả một phong trào "Nam Kỳ kháng Pháp" đã lập tức dấy lên mạnh mẽ. Trong đó, ở Định Tường - quê hương của Nguyễn Hữu Huân - nổi bật nhất là những hoạt động của tri phủ Trần Xuân Hòa (tức Phủ Cậu).

Tháng 4-1861, Pháp tiến quân đánh Định Tường. Phủ Cậu dũng cảm dẫn đầu nghĩa quân chống trả kịch liệt. Không may bị giặc bắt, ông đã tự tận, cắn lưỡi mà chết.

Thay thế Phủ Cậu ngay và từ lúc đó chính là Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Từ bỏ chức giáo thụ, liên kết với các nhà yêu nước trong miền, kiên quyết đánh giặc giữ đất, Thủ khoa Huân đã đứng ra chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Mỹ Quý - Thuộc Nhiêu, đánh thắng nhiều trận, gây cho địch nhiều khó khăn.

Nhưng chính vào lúc đó, triều đình Huế lại nhu nhược ký "Hàng ước 1862", cắt đất 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) "nhường" cho Pháp. Đồng thời, triều đình Huế ra lệnh đình chỉ tất cả các hành động kháng Pháp trên địa bàn.

"Bất tuân thượng lệnh", Nguyễn Hữu Huân đem toàn bộ lực lượng của mình đứng dưới cờ của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định ở căn cứ Tân Hòa (Gò Công), tiếp tục đánh giặc và được phong làm Phó Quản đạo. Phó Quản đạo Nguyễn Hữu Huân được phân công chỉ huy đánh Pháp trên mặt trận từ Tân An đến Mỹ Tho, gây cho quân xâm lược nhiều tổn thất.

Đầu năm 1863, trong một lần Pháp bất ngờ đem quân đánh úp, Phó Quản đạo Nguyễn Hữu Huân bị giặc bắt, đưa về giam ở Sài Gòn. Giặc tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, ông đều mạnh mẽ cự tuyệt. Nhân lúc chúng sơ hở, Phó Quản đạo Nguyễn Hữu Huân đã vượt ngục, trốn thoát.

Khởi nghĩa lần thứ hai

Bấy giờ, căn cứ Tân Hòa của Trương Định cũng đã bị Pháp tiến đánh dữ dội và thất thủ. Sau khi trở về với nghĩa quân, Nguyễn Hữu Huân được phân công đến vùng Chợ Gạo, xây dựng căn cứ Bình Cách (nay là xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo).

Trong lần khởi nghĩa thứ hai này, từ căn cứ Bình Cách, Nguyễn Hữu Huân đã chỉ huy nghĩa quân tỏa đi đánh Pháp ở Chợ Gạo, Mỹ Quý (Cai Lậy), Thuộc Nhiêu (Châu Thành), Mỹ Tho…, tiếp tục gây cho chúng nhiều tổn thất.

Giữa năm 1863, người Pháp tập trung lực lượng tấn công Bình Cách. Nguyễn Hữu Huân đã chỉ huy nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng, khiến địch phải rất vất vả mới chiếm được căn cứ này. Để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Hữu Huân cho rút quân lên vùng Thuộc Nhiêu, tiếp tục chiến đấu, lưu động đánh Pháp nhiều trận ở Cái Thia, Cái Bè, Cai Lậy, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý…

Cuối năm 1863, người Pháp lại tập trung lực lượng, tấn công căn cứ Thuộc Nhiêu. Nghĩa quân phải bỏ Thuộc Nhiêu, rút vào Đồng Tháp Mười. Trước khi vào thủ hiểm ở căn cứ mới rất lợi hại này, Thủ khoa Huân đã gặp Thiên Hộ Dương (tức Võ Duy Dương). Hai người thống nhất hành động: Võ Duy Dương vào Đồng Tháp Mười; Nguyễn Hữu Huân sang An Giang, chỉ huy cuộc vận động dân chúng ở đây, quyên góp, ủng hộ nghĩa quân Đồng Tháp Mười.

Những hoạt động của Thủ khoa Huân ở An Giang khiến Pháp rất lo ngại. Chúng gây áp lực với Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thuận, đòi phải bắt Thủ khoa Huân giao nộp. Thấy Phan Khắc Thuận còn chần chừ, chúng liền phái ngay 500 quân cùng nhiều đại bác từ Oudong (Campuchia) tới, đe dọa tấn công An Giang. Vậy là Tổng đốc Phan Khắc Thuận phải vội bắt ngay Nguyễn Hữu Huân nộp cho Pháp.

Lần bị bắt thứ hai này, Thủ khoa Huân lại bị giặc đưa về Sài Gòn. Chúng lại tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc ông nhưng không thành. Vào ngày 22-8-1864, giặc đưa ông ra tòa, kết án 10 năm tù khổ sai, đày biệt xứ đi Cayenne (thuộc địa của Pháp ở Trung Mỹ).

Những người giữ đất: Nguyễn Hữu Huân và ba lần khởi nghĩa - Ảnh 2.

Bức tượng bán thân cùng tiểu sử của ông đặt trong khuôn viên trường

Khởi nghĩa lần thứ ba

Khổ sai ở Cayenne được 5 năm, Nguyễn Hữu Huân nhận lệnh "ân xá" (ngày 4-2-1869) và được đưa về Sài Gòn "quản thúc tại gia" (tức tại nhà của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương - là "bạn học" từ ngày trẻ). Ông được "giao nhiệm vụ" - vì giặc tiếc "tài học" của ông, cũng vì muốn mua chuộc ông nữa - làm lại chức giáo thụ, dạy học các "sinh đồ" vùng Chợ Lớn.

Lúc này, những bạn chiến đấu của Nguyễn Hữu Huân - các thủ lĩnh nghĩa quân lừng lẫy: Trương Định, Võ Duy Dương... đều đã hy sinh. Thủ khoa Huân vẫn kiên trì, bền bỉ một lòng đánh giặc giữ đất. Lợi dụng điều kiện dạy học, ông bí mật liên lạc được với nhiều dư đảng và nhà yêu nước đương thời, cả "Hội kín Trường Phát" của Hoa kiều, nhờ mua sắm vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ ba.

Công việc đang tiến hành thì Pháp dò biết, huy động lực lượng đàn áp, bắt được cả thuyền chuyển vũ khí của Nguyễn Hữu Huân. Ông vội trốn khỏi nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, tìm đường trở lại Mỹ Tho. Tại đây, ông gặp thủ lĩnh Âu Dương Lân và được dân chúng nhiệt thành ủng hộ, phát động khởi nghĩa lần thứ ba, lấy Bình Cách làm căn cứ trung tâm.

Bấy giờ là năm 1872. Nghĩa quân khắp nơi theo về rất đông, giúp mở rộng địa bàn hoạt động đánh Pháp lần thứ ba của Thủ khoa Huân, kéo dài từ Mỹ Tho đến Mỹ Quý - Cai Lậy.

Nhưng bấy giờ cũng là lúc người Pháp - vừa dùng sức ép chính trị vừa huy động lực lượng quân sự và trước sự lúng túng, nhu nhược của triều đình Huế - đã tiến chiếm lấy nốt 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Cho nên, chúng dễ dàng hơn trong việc tập trung lực lượng, trấn dẹp sự nghiệp "Nam Kỳ kháng Pháp" và cuộc khởi nghĩa lần thứ ba của Nguyễn Hữu Huân.

Cuối năm 1874, giặc tấn công dữ dội vào căn cứ Bình Cách. Nguyễn Hữu Huân phải bỏ căn cứ, thoát về Chợ Gạo. Hoạt động ở đó một thời gian, đến tháng 3-1875 tìm đường trở về vùng Tân An toan khôi phục cơ đồ, trong hoàn cảnh vẫn bị Pháp và tay sai truy lùng ráo riết.

Do bị phản bội, chỉ điểm, Nguyễn Hữu Huân sa vào tay giặc lần thứ 3. Thủ lĩnh Âu Dương Lân cũng chịu chung số phận với Thủ khoa Huân và bị giết ngay tại trận.

Hy sinh lẫm liệt

Bắt được Nguyễn Hữu Huân, Tỉnh trưởng Mỹ Tho De Gailland mừng như bắt được vàng.

Lại vẫn những chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc như các lần trước. Thế nhưng, trước sau Thủ khoa Huân vẫn chỉ một niềm trung trinh với sự nghiệp đánh giặc giữ đất, cự tuyệt thẳng thừng. Biết giặc lần này sẽ không để mình sống với lý tưởng "Nam Kỳ kháng Pháp" nữa, Thủ khoa Huân bình thản tìm cách nhắn vợ con gửi vải vào ngục cho ông. Nhà trí thức Nho học có chức sắc Thủ khoa tính dùng vải đó viết "liễn" (chữ trên vải) tuyệt mệnh.

Về phía Pháp, biết không thể lung lạc được Thủ khoa Huân, chúng quyết định giết ông và tổ chức hành quyết thật ác liệt, hòng đem điều đó hù dọa dân. Nhưng Thủ khoa Huân không cho giặc thực hiện ý đồ của chúng. Ngày rằm tháng Tư năm Ất Hợi (nhằm ngày 19-5-1875), Pháp đem tàu thủy chở Nguyễn Hữu Huân theo dòng Bảo Định Giang về Mỹ Tịnh An để hành quyết vào lúc chính ngọ (12 giờ trưa).

Trên tàu giặc và giữa pháp trường, Nguyễn Hữu Huân vẫn hết sức can trường, bình thản, luôn miệng sang sảng ngâm lời thơ tuyệt mệnh đã viết trên "liễn" từ trong ngục:

"Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị

Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân"

(Dịch: Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết

Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm).

Lời thơ và thái độ hiên ngang của người kiên trì một niềm trung nghĩa đánh giặc giữ đất đến 3 lần - Nguyễn Hữu Huân - sống mãi cùng non sông đất nước.

Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết/ Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm"

(Thơ tuyệt mệnh của Thủ khoa Huân)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo