Dưới đây là những điểm chung mà các chuyên gia quản trị nhân sự đút kết sau khi theo dõi sự ra đi của nhiều nhân tài trong các tổ chức, doanh nghiệp:
Không công nhận và đánh giá xứng đáng thành quả
Điều mà nhiều nhân sự giỏi thường gặp là không được cấp trên công nhận và đánh giá thành quả đạt được. Thậm chí chỉ là một lời động viên nhỏ cho những nỗ lực của nhân viên dưới quyền cũng không có. Dần dần, nhiều nhân sự giỏi cảm thấy nhiệt huyết làm việc và nỗ lực cống hiến bên trong mình dần tắt đi, sự xông xáo cũng dần nguội lạnh và cuối cùng là làm như một cách để đối phó.
Bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc Công ty truyền thông Flamingo, cho rằng đôi khi chỉ một lời khen ngợi hay khích lệ tinh thần từ quản lý cũng có sức mạnh truyền thêm động lực mạnh mẽ khiến nhân viên phấn đấu làm việc, nỗ lực cống hiến hết minh.
Không tôn trọng ý kiến đóng góp
Quản lý cấp trung trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp thường hiếm khi lắng nghe ý kiến đóng góp của cấp dưới. Dù mọi người đều mong muốn đóng góp ý kiến trong công việc để đưa tổ chức phát triển hơn nhưng phần lớn đều bị quản lý phớt lờ đi.
Nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá nhưng khi đề xuất lên thì quản lý chưa nghe hết đã vội gạt bỏ. Chính điều này khiến nhiều nhân sự năng động cảm thấy làm việc dưới trướng nhà quản lý như vậy thì năng lực của mình sẽ bị kìm hãm lại.
Bà Lan Khanh cho rằng các nhà quản lý nên tôn trọng ý kiến đóng góp của cấp dưới để phát huy tối đa năng lực nhân viên. Từ đó đội nhóm mới phát triển vững mạnh được.
Xét nét, phê bình cấp dưới quá nhiều
Một cuộc khảo sát nhỏ tại một tập đoàn đa ngành có đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người tại Việt Nam cho thấy, hơn 50% nhân viên cho biết họ bị áp lực tinh thần quá mức khi quản lý cấp trung soi mói và phê bình quá nhiều dù lỗi cấp dưới phạm phải không quá lớn, thậm chí chỉ là tiểu tiết không ảnh hưởng đến kết quả chung. Nhiều người cũng phàn nàn cấp trên luôn "vạch lá tìm sâu" những lỗi nhỏ nhất của nhân viên để "chì chiết, mắng nhiết" không thương tiết nhân viên dưới quyền.
Trong khi đó, nghệ thuật của một nhà quản lý chuyên nghiệp là luôn đồng hành và tận tình hướng dẫn cấp dưới làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, quản lý luôn biết quan tâm đến sự tiến bộ của cấp dưới và tạo môi trường làm việc tích cực, cởi mở để cấp dưới không bị áp lực tinh thần.
Không đầu tư phát triển năng lực nhân viên
Nhu cầu phát triển luôn tồn tại trong mọi người lao động. Ai cũng mong muốn được tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng để nâng cao hiệu quả công việc. Nếu một quản lý biết quan tâm đến nhân viên của mình, họ sẽ ủng hộ và tìm nhiều cách để phát triển đội ngũ của mình.
Nhưng điều đáng quan ngại trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiện nay là người quản lý cấp trung đều không quan tâm đến điều này. Thậm chí team đề xuất được hỗ trợ trang thiết bị làm việc tân tiến hơn cũng không được quản lý chú trọng xét duyệt.
Kinh nghiệm quản trị nhân sự đã chỉ ra rằng chỉ khi nhà quản lý chú trọng đầu tư phát triển năng lực cho nhân viên thì mới giữ chân được nhân tài. Đó có thể là đầu tư trang thiết bị hiện đại hỗ trợ phục vụ công việc, cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ hay tạo cơ hội thử sức với những dự án lớn có độ thách thức cao hơn…
Phân biệt đối xử
Nạn phân biệt đối xử, cạnh tranh không lành mạnh với môi trường làm việc không công bằng là điều khiến nhiều nhân sự giỏi rất bất mãn và muốn rời đi. Khi không còn động lực làm việc vì mọi nỗ lực của mình không được đền đáp xứng đáng, quản lý cấp trung thì ưu ái và thiên vị một đồng nghiệp khác yếu kém hơn mình thì điều mà nhân sự giỏi rời bỏ tổ chức là điều không tránh khỏi.
Nhà quản lý tốt là người tạo môi trường làm việc công bằng, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh và không phân biệt đối xử giữa các nhân viên. Nhờ đó cấp dưới mới yên tâm cố gắng làm việc và muốn gắn bó lâu dài với công ty.
Bình luận (0)