Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 19-3 phối hợp tổ chức Hội thảo "Tiên phong trong nỗ lực dịch chuyển lao động quốc tế giữa Nhật Bản và Việt Nam".
Ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt. Đồng thời giới thiệu dự án hợp tác kỹ thuật đang được JICA và các cơ quan hữu quan của Chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm cải thiện tính minh bạch của chương trình phái cử ra nước ngoài.
Nhật Bản đang có nhu cầu nhân lực rất lớn đối với 12 ngành, nghề
Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản cho hay nước này đang có nhu cầu nhân lực rất lớn ở 12 ngành. Đó là sản xuất thực phẩm - đồ uống, xây dựng, chế tạo máy - vật liệu - điện hoặc thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu - thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp, chăm sóc - điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, hàng không, dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống.
Phía Nhật Bản nhấn mạnh lao động Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 520.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua. Trong đó, số thực tập sinh chiếm tới 40%.
Lao động Việt Nam rất chăm chỉ nhưng cần tham gia chương trình kỹ năng đặc định để trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật và các kiến thức kỹ năng nghề. Từ đó có thể giúp nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Cũng trong ngày 19-3, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có cuộc trao đổi, làm việc với ông Chang Won Sam, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề về hợp tác liên quan đến lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung vào đào tạo lao động có kỹ năng trong các ngành công nghiệp như đóng tàu, sản xuất ô tô, thiết bị điện tử thông minh…
Ưu tiên thí điểm tại Việt Nam chương trình NEXUS
Chủ tịch Chang Won Sam cho biết chương trình NEXUS phát triển di cư của KOICA sẽ được triển khai tại một số quốc gia, trong đó ưu tiên thí điểm tại Việt Nam trong năm 2024.
"Hàn Quốc muốn thí điểm chương trình này nhằm hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp gốc. Hướng tới việc tăng cơ hội việc làm cho các lao động di cư, cải thiện thu nhập và củng cố năng lực cá nhân" - ông Chang Won Sam chia sẻ.
Đồng thời, Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong tăng kỹ năng lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thị trường lao động. Trong khi đó Việt Nam hỗ trợ Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề thiếu lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông qua chương trình NEXUS, KOICA mong muốn đào tạo ra các chuyên gia lành nghề ngay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TVET) của địa phương, kết nối người lao động với các cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp liên quan ở trong và ngoài nước (bao gồm cả Hàn Quốc).
Bình luận (0)