Hàn Quốc và Nhật Bản luôn là thị trường trọng điểm của hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Trong bối cảnh hai quốc gia Đông Bắc Á này đang thiếu lao động trầm trọng đã mở ra cánh cửa việc làm cho người lao động (NLĐ) Việt Nam - từ làm việc thời vụ, lao động phổ thông cho đến những vị trí qua đào tạo.
Mở rộng ngành nghề tiếp nhận
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chính sách thu hút lao động nước ngoài đến làm việc trong nỗ lực chia sẻ những khó khăn của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp (DN) trong nước thiếu nguồn nhân lực.
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch cấp giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài trong 4 ngành mới gồm: nhà hàng, khách sạn và căn hộ, lâm nghiệp, khai thác mỏ. Theo đó, 2 ngành nhà hàng, khách sạn và căn hộ sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Kế hoạch tuyển dụng này sẽ ưu tiên cho công việc trợ lý trong các nhà hàng đã hoạt động từ hơn 5 - 7 năm.
Trong khi đó, giấy phép lao động trong ngành lâm nghiệp và khai thác mỏ sẽ bắt đầu được chấp nhận vào tháng 7 tới. Ngành lâm nghiệp chỉ giới hạn ở các hoạt động trồng rừng, khai thác gỗ và cây giống; giấy phép cho lao động ngành khai thác mỏ sẽ chủ yếu làm công việc khai thác tại những mỏ có sản lượng lớn. NLĐ nước ngoài cũng có thể xin visa đến Hàn Quốc làm công việc dọn dẹp hoặc phụ bếp trong các khách sạn và căn hộ ở 4 khu vực gồm Seoul, Busan, đảo Jeju và tỉnh Gangwon trong tháng 11 năm nay.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng vừa vào cuộc hỗ trợ giải bài toán thiếu nhân lực khi đưa ra chương trình cho phép phụ huynh của sinh viên (SV) nước ngoài đang theo học tại các trường đại học bên ngoài khu vực Seoul từ hơn 1 năm trở lên, trừ SV học các khóa học ngôn ngữ, đến Hàn Quốc làm việc thời vụ. Cha mẹ của SV nước ngoài phải từ 55 tuổi trở xuống, có sức khỏe tốt và không có tiền án tiền sự có thể đến Hàn Quốc trong năm nay để vừa thăm con vừa trải nghiệm công việc thời vụ trong vòng 8 tháng.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2024, Chính phủ Hàn Quốc tăng thêm 120.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động nước ngoài theo chương trình EPS lên 165.000 người - cao nhất từ trước đến nay để ứng phó tình trạng thiếu lao động trên diện rộng.
Hàn Quốc áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 1-1-2024 với mức lương tính theo giờ tăng thêm 240 won - lên 9.860 won/giờ (tương đương 183.000 đồng), mức lương tối thiểu tháng là 2.060.740 won (hơn 38 triệu đồng). Năm nay, Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành cải tiến hệ thống cấp phép lao động để tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích của NLĐ nước ngoài.
Khuyến khích ở lại làm việc lâu dài
Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản công bố nới lỏng các quy định về thị thực để mở rộng phạm vi ngành nghề cho SV nước ngoài được phép ở lại và tìm việc làm ở nước này. Đây là động thái mới nhất của Nhật Bản đáp lại lời kêu gọi từ giới DN về giải quyết tình trạng thiếu nhân công.
Theo đó, Nhật Bản sẽ cho phép SV đã hoàn thành chương trình học tại các trường dạy nghề kỹ thuật do nhà nước chỉ định làm việc trong các lĩnh vực không nhất thiết liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực họ học chuyên ngành. Như vậy, SV nước ngoài có trình độ kỹ thuật và tiếng Nhật nhất định tại các trường kỹ thuật không phải về nước mà được khuyến khích ở lại lâu hơn để làm những công việc khác.
Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú của Nhật Bản, nước này sẽ cấp một loại thị thực mới có thời hạn lưu trú tối đa 6 tháng cho các kỹ sư công nghệ thông tin. Đây là nhóm lao động có trình độ chuyên môn cao, làm việc tại Nhật Bản theo phương thức từ xa, tức vừa làm việc cho công ty của Nhật Bản vừa kết hợp tham gia các hoạt động du lịch dài ngày cá nhân tại nước này. Mô hình làm việc này còn được gọi là "du mục kỹ thuật số" (digital nomad).
Nhật Bản kỳ vọng thị thực mới này sẽ thu hút lao động có tay nghề đến làm việc và dành thời gian trải nghiệm ở xứ sở hoa anh đào trong thời gian tới. Đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết trong năm 2024, Nhật Bản sẽ thay đổi chương trình thực tập sinh để tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ nước ngoài.
Theo chương trình mới, lao động nước ngoài có thể cư trú lâu dài hơn cũng như có thể chuyển việc ở các DN cùng ngành nghề đăng ký sau 1 - 2 năm. Bên cạnh đó, thực tập sinh ban đầu sẽ có thị thực lao động 3 năm, nếu đạt tiêu chuẩn kỹ năng đặc định số 1 sẽ được phép làm việc tại Nhật Bản tối đa 5 năm; nếu đạt tiêu chuẩn kỹ năng đặc định số 2, tức lao động nước ngoài tay nghề cao, có thể ở Nhật Bản vô thời hạn và đưa gia đình sang sinh sống.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch bổ sung 4 ngành nghề cho thị thực lao động đặc định mà người nước ngoài có thể làm việc với tư cách lao động có tay nghề gồm: vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ.
Hơn 23.000 lao động ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2-2024 là 10.553 lao động. Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam trong tháng 2 gồm: Nhật Bản (8.212 người), Đài Loan - Trung Quốc (1.443 người), Hàn Quốc (253 người), Thái Lan (109 người), Trung Quốc (100 người), Singapore (80 người), Hungary (70 người) và các thị trường khác. Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 lao động. Nhật Bản là thị trường tiếp nhận 17.067 lao động Việt Nam (chiếm 74%).
Bình luận (0)