Thông tin trên được PGS-TS-BS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp TP HCM, chia sẻ bên lề Hội chợ Dược liệu, Y Dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai, ngày 21-11.
Theo PGS Bay, một trong những vấn đề hiện nay của y dược TP là các công trình nghiên cứu lâm sàng chủ yếu tập trung vào thực nghiệm để chứng minh cơ chế, trong khi nghiên cứu lâm sàng lại bị giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân do kinh phí nghiên cứu lâm sàng rất tốn kém.
"Trong xu hướng phát triển y học hiện nay, việc kết hợp đông và tây y có thể sẽ là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, hiện tại, đông y và tây y chưa có nhìn nhận đúng lẫn nhau. Do đó, dẫn đến 1 số bệnh có thể điều trị tốt bằng y học cổ truyền nhưng người bệnh lại không được hưởng lợi từ đó. Ví dụ, đối với bệnh xơ gan, y học hiện đại chỉ điều trị triệu chứng, trong khi đông y có thể giúp phục hồi tế bào gan bị xơ. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển mạnh mẽ của y học cổ truyền, mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã tập trung nghiên cứu. Ở Việt Nam, y học cổ truyền cũng đang rất được chú trọng nhưng nghiên cứu chứng minh sự kết hợp giữa đông và tây y vẫn chưa đủ" - PGS Bay nói.
Về dược liệu, PGS Bay cho biết nguồn dược liệu tại Việt Nam có thể cung ứng tốt cho việc điều trị. Tuy nhiên, thực tế nhiều dược phẩm dù là của Việt Nam nhưng vẫn bị xem là "hàng nhập khẩu". Hiện tại, dược liệu Việt Nam rất phong phú, Bộ Y tế đã phân vùng các khu vực thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây cỏ làm dược liệu.
PGS Ngô Thị Bay nhấn mạnh hiện nay, từ dược liệu đến thành phẩm rất khó khăn nhưng việc sản xuất thành phẩm lại dễ dàng hơn. Trong khi đó, sản phẩm thành phẩm không hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của Đông y.
"Thành phẩm tiện dụng có thể không đáp ứng được nhu cầu điều trị cá nhân của bệnh nhân, vì đông y chú trọng đến sự khác biệt cơ địa giữa mỗi bệnh nhân" - PGS Bay nhận định.
Chứng minh điều này, PGS Bay ví dụ, trong điều trị bệnh tiểu đường, phương pháp điều trị đông y hoàn toàn khác với thuốc tây. Trong khi tây y chỉ sử dụng một loại thuốc như insulin, đông y lại căn cứ vào cơ địa của từng bệnh nhân để điều trị.
Việc cá thể hóa điều trị hiện nay đang là xu hướng của tây y, nhưng vẫn chưa thực hiện được hoàn chỉnh. Đông y lại có xu hướng sản xuất thuốc tiện dụng, dễ sử dụng nhưng có thể không đáp ứng được yêu cầu điều trị cá nhân. "Ví dụ, một công thức thuốc có thểsử dụng với liều lượng khác nhau cho mỗi bệnh nhân. Điều này nếu áp dụng thành phẩm sẽ biến đông y thành tây y hóa, tức là sử dụng theo kiểu của tây y, không còn giữ đúng bản chất cá thể của đông y" - PGS Bay nói.
Phát biểu khai mạc tại hội chợ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong nước luôn được nhà nước quan tâm, với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Chính phủ đã thúc đẩy nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp và chuyên canh. Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có Hội chợ Dược liệu, Y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai tại TP HCM.
Hội chợ quy tụ 425 gian hàng của hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở nuôi trồng dược liệu, thiết bị chăm sóc sức khỏe, y tế thông minh, phòng sạch, bệnh viện y học cổ truyền, Hội Đông y trong nước và quốc tế,... Người dân tham gia hội chợ sẽ được trải nghiệm các sản phẩm dược liệu trưng bày, tư vấn, khám bệnh miễn phí và các kiến thức về dược liệu, thuốc cổ truyền.
Hội chợ sẽ là một điểm mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền tin cậy, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân TP HCM và các địa phương trên toàn quốc; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn nữa các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân đối với vấn đề an toàn, sức khỏe trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền… Góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bình luận (0)