Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, bà Tsuchiya Shinako, Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản dẫn đoàn thăm và làm việc tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình nhập khẩu phân phối các sản phẩm thực phẩm nói chung của Nhật Bản và nói riêng của vùng Tohoku, đặc biệt là 3 tỉnh Fukushima, Iwate, Miyagi. Đây là khu vực chịu thiệt hại nặng nề trong thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011.
Chiều 3-2, làm việc tại Công ty TNHH Phan Thành Akuruhi (Akuruhi), bà Tsuchiya Shinako cho biết tháng 2-2012, Bộ Tái thiết được chính phủ Nhật Bản thành lập và giao trọng trách hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép năm 2011 khôi phục kinh tế.
"Chúng tôi đang nỗ lực khôi phục sự phát triển Fukushima, Iwate, Miyagi. Chuyến công tác tại Việt Nam lần này nhằm giới thiệu cho người dân Việt Nam biết rõ hơn sản phẩm của 3 địa phương này, qua đó thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản và thủy sản của 3 tỉnh này" – bà Tsuchiya Shinako nói.
Ngay dịp này, sự kiện quảng bá tỉnh Fukushima đang diễn ra tại siêu thị Aeon Tân Phú từ ngày 2 đến 4-2. Tại đây, người tiêu dùng TP HCM có cơ hội thưởng thức ẩm thực đặc sắc từ các thủy hải sản tươi ngon và mì Kitakata nổi tiếng.
Bà Lâm Thị Hoàng Trúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phan Thành Akuruhi, cho biết Akuruhi có hơn 25 năm kinh nghiệm trong hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống từ Nhật bản và phân phối cho các hệ thống nhà hàng tại Việt Nam, các chuỗi siêu thị bán lẻ như Family mart, Fuji Mart, Otomisan, Coopmart…
Hiện Akuruhi đang kinh doanh mọt số mặt hàng đông lạnh, thực phẩm chế biến của vùng Tohoku, như: mực ống dồn trứng (Komochi yari Ika), cá trích ép trứng ( Komochi Nisshin), mì gói, mì tô có mì Igarashi Seimen (với hương vị nước tương, muối hoặc miso), vây cá bơn - Engawa Sashimi…
"Hiện tại, khá nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam chưa được miễn giảm thuế nhập khẩu do các nhà sản xuất chưa xin được Giấy chứng nhận xuất xứ (CO form JV). Công ty mong muốn Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tạo điều kiện để nhiều sản phẩm thủy hải sản từ Nhật Bản nói chung, vùng Tohoku nói riêng có thể xin được Giấy chứng nhận xuất xứ (Co form JV) của các mặt hàng được nhập khẩu vào Việt Nam, từ đó giá thành giảm sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam dễ tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao của Nhật" – bà Hoàng Trúc bày tỏ.
Người đại diện Akuruhi cũng đồng thời mong muốn Chính phủ Nhật tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước trao đổi thương mại và đầu tư.
"Thông qua Bộ Tái thiết, chúng tôi kiến nghị Chính phủ Nhật tạo cơ hội cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản. Trong đó, tạo cơ hội cho các mặt hàng Việt Nam chưa phổ biến tại Nhật như trái vải, thanh long và các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam như tôm, cá, mực... có giá cạnh tranh được giao thương dễ dàng hơn" - bà Hoàng Trúc nói.
Bình luận (0)