Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), nhu cầu nhân lực cho 6 tháng cuối năm 2024, dự kiến cần khoảng từ 153.500 – 161.500 chỗ làm việc. Trong đó, tập trung tuyển dụng ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (khảo sát dựa trên 23.550 doanh nghiệp).
Riêng nhu cầu nhân lực nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, cần khoảng từ 23.961 - 25.210 chỗ làm việc (chiếm 15,61%), ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%.
FALMI cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm ổn định thị trường lao động từ nay đến cuối năm và năm tiếp theo, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.
Cụ thể, đối doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng loại, nhóm lao động gắn với từng ngành, trình độ cụ thể định kỳ ngắn, trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục áp dụng hình thức tự đào tạo, tận dụng kinh nghiệm thực tế và cơ sở vật chất sẵn có để đào tạo ngay tại nơi làm việc.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng với các trường đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề để tổ chức các khóa học chuyên sâu về chuyên môn, nhất là đào tạo các kỹ năng nghề nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người lao động; Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, việc trang bị cho người lao động các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian cũng rất quan trọng.
Ở góc độ người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho mình những kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc và phát triển trong tương lai.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo, điều chỉnh và cải tiến để đáp ứng nhu cầu thực tế; thu thập ý kiến phản hồi từ lao động tham gia đào tạo để cải thiện chất lượng và nội dung khóa học... Qua đó, nâng cao mức độ đáp ứng của người lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Bình luận (0)