Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm.
Theo đó, tại báo cáo 12 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2018 ngành y tế đã cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với 30.454 sản phẩm thực phẩm chức năng.
Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, ngành y tế đã cấp: Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho 68.750 sản phẩm.
Bộ Y tế cho biết hiện vẫn chưa thống nhất các từ ngữ trong Luật An toàn thực phẩm và hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm trong sử dụng nhóm từ ngữ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "Thực phẩm chức năng", "Thực phẩm bổ sung", trong khi thời gian qua việc kinh doanh các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe diễn ra phức tạp. Vì vậy, các sản phẩm này cần được quan tâm quản lý chặt chẽ trong thời gian tới.
Theo Bộ Y tế, một số khó khăn trong vấn đề quản lý thực phẩm chức năng đó là hình thức kinh doanh đa cấp, kinh doanh trên môi trường mạng xã hội đang diễn ra sôi động và phức tạp.
Đặc biệt quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" lại càng khó khăn hơn. Các hành vi vi phạm khó phát hiện, người bán hàng có rất ít hàng hoặc không có hàng, mà khi có người đặt mới lấy về, nên người tiêu dùng phải hết sức lưu ý lựa chọn sản phẩm.
Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo sai sự thật lừa dối người tiêu dùng gây bức xúc dư luận xã hội.
Trên thực tế, theo Bộ Y tế còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp không tồn tại tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký (đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, chuyển địa điểm khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý) đã gây khó khăn cho công tác hậu kiểm.
Bộ Y tế cho biết phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Trong khi hiện chưa có quy định về thu hồi, các trường hợp phải thu hồi giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (trường hợp doanh nghiệp không tồn tại, không kinh doanh hoặc hậu kiểm phát hiện vi phạm), hủy hiệu lực bản tự công bố và hồ sơ tự công bố sản phẩm.
Một khó khăn nữa trong công tác quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, theo Bộ Y tế là việc không quy định thời hạn hiệu lực giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm dẫn đến việc không kiểm soát được số lượng sản phẩm thực tế lưu thông trên thị trường, gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch, bố trí nguồn lực hậu kiểm.
Việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, quảng cáo truyền tiêu bằng miệng của người tham gia phân phối, kinh doanh đa cấp.
Bộ Y tế cũng chỉ ra việc chưa quy định bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP…) đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung (thuộc nhóm thực phẩm chức năng), thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi là chưa phù hợp, vì đây là các sản phẩm đặt biệt, khác với các sản phẩm thông thường, cần quản lý việc sản xuất chặt hơn.
Bình luận (0)