Tập đoàn công nghệ Synopsys (Mỹ) vừa ký kết hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch với Đại học Quốc gia TP HCM.
Theo đó, Synopsys chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên của Đại học Quốc gia TP HCM.
Synopsys sẽ tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại Đại học Quốc gia TP HCM với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Synopsys cũng sẽ hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn mang tên "Train-the-Trainer". 3 giảng viên từ Trường Đại học Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sẽ tham gia khóa đầu tiên.
Ngoài ra, hai bên còn cùng phát triển Viện nghiên cứu bán dẫn, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM để nơi này cung cấp trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu, dùng chung cho các trường đại học, công ty khởi nghiệp. Tập đoàn này cũng cam kết thúc đẩy các đối tác trên toàn cầu xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại đại học này.
Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp Đại học Quốc gia TP HCM đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đầu tháng 3 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết Samsung Việt Nam và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai các hoạt động phát triển công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam. Chính phủ cũng đề xuất Samsung hỗ trợ để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Trước đó, Samsung Việt Nam cũng đã cùng Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đã ký văn bản hợp tác, với mục tiêu trong 4 năm đào tạo các sinh viên ưu tú của VNU trở thành nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực bán dẫn.
"Samsung sẽ cố gắng để trở thành doanh nghiệp nỗ lực nhiều nhất cho đào tạo nhân tài công nghệ tại Việt Nam, đóng góp vào hoạt động đào tạo nhân tài công nghệ tương lai và trở thành doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Việt Nam" - ông Choi nhấn mạnh.
Cuối tháng 2-2024, Công ty Siemens Electronic Design Automation (Đức) cũng ký kết hợp tác với hu công nghệ cao TP HCM trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và khai thác những thế mạnh của Siemens trong việc cung cấp các phần mềm thiết kế.
Theo đó, các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai ngay trong năm 2024. Như vậy, Siemens không chỉ cung cấp các công nghệ mà còn tham gia hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, nhất là điện tử bán dẫn cho Việt Nam.
Trước đó, Tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ) cam kết sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng trong việc đào tạo nhân lực cần thiết phục vụ cho lĩnh trí tuệ nhân tạo (AI).
Tập đoàn Intel sẽ cùng thảo luận và thống nhất một số nội dung hợp tác cụ thể với thành phố Đà Nẵng, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực AI cũng như tổ chức các lớp đào tạo giảng viên (train the trainer) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để tạo nguồn giảng viên cơ hữu, chủ động cho thành phố.
Trong năm nay, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) sẽ phối hợp với Tập đoàn Intel tổ chức các lớp đào tạo nói trên.
Bình luận (0)