Tối 23-4, liên quan vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nghiêm trọng làm 7 công nhân (CN) tử vong và 3 CN bị thương tại Công ty Xi măng Yên Bái (trực thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về an toàn lao động"; khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Mạnh Hùng (SN 1980; trú phường Yên Thịnh, TP Yên Bái; nhân viên cân băng liệu của Nhà máy Xi măng Yên Bái) về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động".
Không kịp trở tay
Công an tỉnh Yên Bái cũng đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của Trần Mạnh Hùng cũng như những vi phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Đại diện Công an tỉnh Yên Bái khẳng định đang khẩn trương điều tra nguyên nhân sự cố để xử lý nghiêm minh.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết hiện Tỉnh ủy ưu tiên việc nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ tai nạn; thăm hỏi gia đình các CN tử vong và động viên CN bị thương.
Sau gần một ngày cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, 3 CN may mắn sống sót sau vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng này vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Nông Văn Tuân (trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết cả đêm 22-4 anh không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là trong đầu anh xuất hiện những cảnh tượng hãi hùng...
Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 22-4, anh Tuân cùng 9 CN Nhà máy Xi măng Yên Bái bảo dưỡng định kỳ máy số 3 trong 4 máy nghiền tại đây. Công việc này đã kéo dài nửa tháng. Nhóm CN 3 người - gồm anh Tuân, anh Phạm Minh Dương và ông Phan Ngọc Long - được phân công sửa chữa bên ngoài. 7 CN còn lại chui vào bên trong cỗ máy hình trụ dài 7 m, cao 5 m để thay các tấm lát bị mòn. Công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần người bên ngoài phối hợp bên trong bắt vít cố định tấm lát.
Như thường lệ, một CN trong nhóm thông báo qua bộ đàm về trung tâm điều khiển để ngắt nguồn điện cấp cho máy. Khi có hiệu lệnh xác nhận, nhóm mới bắt tay sửa chữa. Khoảng 25 phút sau khi nhóm bắt đầu công việc, máy nghiền bất ngờ hoạt động trở lại. Hàng ngàn viên bi sắt bên trong văng tung tóe ra ngoài, bụi xi-măng bay mù mịt.
Ba CN trên nóc máy ngã nhào từ độ cao 5 m xuống đất. Anh Tuân bị trẹo chân, trong khi 2 người khác bị thương nặng, nằm im tại chỗ. Không có phép mầu nào xảy ra với 7 người trong máy nghiền...
Thoát nạn trong gang tấc, anh Phạm Minh Dương cho biết vẫn đang rất mệt do bị gãy đốt sống và đa chấn thương. "Anh em chúng tôi đang bảo trì thì máy nghiền xoay, hất văng những người ở bên ngoài xuống đất. Sự việc diễn ra quá nhanh, không ai kịp trở tay" - anh thảng thốt.
Xem thường tính mạng người lao động
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ làm 7.553 người lao động (NLĐ) gặp nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 662 vụ với 699 người (giảm 7,29%); số người bị thương nặng là 1.720 (tăng 4,43%).
Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, thiệt hại về vật chất từ các vụ TNLĐ (chi phí thuốc thang, mai táng, bồi thường cho gia đình nạn nhân…) là trên 16.357 tỉ đồng - tăng khoảng 2.240 tỉ đồng so với năm 2022. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 722 tỉ đồng, tăng khoảng 454 tỉ đồng.
Phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người, Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía người sử dụng lao động (NSDLĐ) - chiếm 46,05% tổng số vụ và 4,37% tổng số người chết.
Theo các chuyên gia về an toàn lao động, chỉ cần NSDLĐ thực hiện tốt nghĩa vụ bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) tại nơi làm việc cho NLĐ thì sẽ phòng ngừa được trên 90% vụ TNLĐ. Điều này phụ thuộc vào sự quan tâm, nhận thức, mức độ đầu tư của chủ doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ, qua thời gian sử dụng lâu dài, các dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị sẽ hư hại, lạc hậu. Để đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm an toàn, có thể ngăn ngừa các rủi ro là cả một bài toán khó về chi phí đối với DN.
TS Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiểm định và Huấn luyện AT-VSLĐ TP HCM, cho rằng để giảm thiểu TNLĐ, DN phải chủ động thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch AT-VSLĐ. Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt cần phải được kiểm định an toàn, có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và kiểm tra trước khi vận hành, nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên đánh giá các điều kiện về AT-VSLĐ như nhiệt độ, bức xạ, ánh sáng…; có giải pháp cải thiện để xây dựng môi trường làm việc an toàn.
Trong khi đó, luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhấn mạnh Luật AT-VSLĐ quy định rất rõ nghĩa vụ của NSDLĐ trong việc bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc cho NLĐ. Cụ thể: Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm AT-VSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm AT-VSLĐ; cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc; bố trí bộ phận hoặc người làm công tác AT-VSLĐ; phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác AT-VSLĐ…
"Chỉ cần thực hiện đúng quy trình theo luật định thì TNLĐ sẽ không xảy ra" - ông Tín khẳng định.
(Còn tiếp)
Nhiều nhà thầu xây dựng bất hợp tác
Báo cáo tổng kết 5 năm (2019 - 2023) thực hiện quy chế phối hợp điều tra TNLĐ chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn TP HCM cho thấy số vụ TNLĐ trong công trình xây dựng do nhà thầu tư nhân không có pháp nhân thi công có xu hướng tăng. Các nhà thầu này thường không hợp tác mà chống đối, dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân TNLĐ. Việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan cần có sự hỗ trợ, phối hợp từ cơ quan cảnh sát điều tra. Một số trường hợp TNLĐ không theo hợp đồng lao động, không có chủ thể sử dụng lao động nhưng vẫn tiến hành điều tra theo quy định, dẫn đến khó khăn trong hướng xử lý, giải quyết vụ việc giữa các bên liên quan. Điều đó cho thấy không ít NSDLĐ phớt lờ vấn đề an toàn lao động.
H.Như
Bình luận (0)