Là doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê-tông đúc sẵn, thi công hạ tầng, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt nên Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (quận 10, TP HCM) đặc biệt xem trọng công tác an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ). Những năm qua, DN liên tục nâng cấp các phương tiện, máy móc và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, cải tạo nhà xưởng, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro về tai nạn lao động (TNLĐ).
"Phòng thủ" từ sớm, từ xa
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết để tạo những rào chắn an toàn bảo vệ người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc, mỗi năm công ty đều bổ sung, cải tiến nội quy, quy trình thực hiện các biện pháp an toàn nhằm bảo đảm môi trường làm việc tốt nhất cho NLĐ.
Đơn cử như việc Công đoàn đã phối hợp thành lập mạng lưới An toàn vệ sinh viên (ATVSV), phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác AT-VSLĐ. Hội đồng Bảo hộ lao động công ty phân công chuyên viên về an toàn lao động (ATLĐ) giám sát việc thực hiện tại các nhà máy hằng ngày, bảo đảm 100% máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đều được kiểm định và quá trình sản xuất luôn trong trạng thái an toàn. Công ty cũng huấn luyện ATLĐ định kỳ đồng thời trang bị bảo hộ lao động cho 100% NLĐ để họ nắm rõ quy trình làm việc. Song song đó, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho NLĐ.
Ngoài những giải pháp trên, Công đoàn công ty còn duy trì phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật đi kèm với cải thiện môi trường. Từ phong trào này, nhiều sáng kiến ra đời đem lại lợi ích kinh tế và tạo ra sản phẩm ưu việt góp phần bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như nghiên cứu ứng dụng tro bay làm phụ gia vô cơ hoạt tính để cải thiện các cơ lý chủ yếu trong sản xuất ống cống theo công nghệ rung ép… phục vụ ngành thoát nước.
Nhằm trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức chấp hành cho NLĐ, Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM) vừa tổ chức đợt tập huấn 1 tuần về ATLĐ. Tại chương trình, NLĐ được trang bị các kiến thức ATLĐ gắn với vị trí làm việc. Ngoài đợt tập huấn này, mỗi năm DN còn tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn nội bộ định kỳ hoặc đột xuất nhằm cập nhật quy trình vận hành, AT-VSLĐ cho NLĐ, nhất là khi máy móc hay quy trình sản xuất có thay đổi.
Là DN hoạt động trong lĩnh vực hóa chất (bột giặt, kem giặt, xà phòng thơm…) nên từ khi thành lập, việc bảo đảm AT-VSLĐ luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Hiện nhà máy đã được trang bị các dây chuyền máy móc mới, hiện đại, vận hành tự động (khoảng 80%-90%), NLĐ chủ yếu điều khiển qua máy tính.
Tuy nhiên, để loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn, định kỳ 2 - 3 tháng, lần lượt 4 chuyền máy sẽ ngưng vận hành 3 - 7 ngày để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng. DN cũng thường xuyên đo, kiểm tra các chỉ số an toàn về điện, chống sét… để bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho NLĐ.
Quan tâm, đầu tư chu đáo
Để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho NLĐ, Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã sớm chủ động thành lập Hội đồng AT-VSLĐ gồm 10 thành viên và mạng lưới ATVSV tại các tổ sản xuất với 72 thành viên.
Đội ngũ này có trách nhiệm bảo đảm công tác AT-VSLĐ được kịp thời và liên tục, lắng nghe và giải quyết kiến nghị của NLĐ về điều kiện làm việc và các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi sản xuất. Để khuyến khích đội ngũ ATVSV, Công đoàn phụ cấp thêm cho mỗi ATVSV 200.000 - 400.000 đồng/tháng.
Hằng ngày, Hội đồng AT-VSLĐ tổng hợp ý kiến của NLĐ, ATVSV để đề xuất với ban giám đốc các biện pháp khắc phục nguy cơ, sự cố. Đội ngũ này còn thường xuyên giám sát, nhắc nhở, xử lý các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn và tham gia đào tạo, hướng dẫn công tác cho NLĐ.
Tại công ty, những khu vực nguy hiểm đều có biển cảnh báo để NLĐ biết và phòng tránh. Các xưởng cũng xây dựng quy định an toàn riêng phù hợp với đặc thù sản xuất. Máy móc, thiết bị đều có hướng dẫn vận hành an toàn, được dán ở nơi dễ thấy. NLĐ vận hành máy phải qua đào tạo.
Bên cạnh đó, bộ phận y tế (5 người) trực 24/24 giờ giải quyết sơ cấp cứu nếu có trường hợp TNLĐ xảy ra tại DN. Ngoài khám sức khỏe định kỳ, công ty còn phối hợp với Phân viện Khoa học AT-VSLĐ và Bảo vệ Môi trường Miền Nam khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Là đơn vị sản xuất dược với các yêu cầu nghiêm ngặt, Công ty CP Dược phẩm An Thiên (quận 8, TP HCM) rất xem trọng công tác bảo hộ lao động. Theo ông Lê Đình Chi, Giám đốc hành chính - nhân sự công ty, trong nội quy lao động có riêng một chương quy định về AT-VSLĐ, trang bị bảo hộ lao động cá nhân (quần áo bảo hộ, găng tay, nút tai chống ồn, kính, khẩu trang than hoạt tính…) nhằm bảo đảm AT-VSLĐ, giúp NLĐ phòng chống bệnh nghề nghiệp.
DN còn thành lập bộ phận bảo hộ lao động và mạng lưới ATVSV hằng năm tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ, an toàn sử dụng hóa chất cho NLĐ. Hằng năm, DN thực hiện quan trắc môi trường làm việc để có giải pháp khắc phục kịp thời những yếu tố vượt tiêu chuẩn cho phép (nếu có). Công ty còn có trạm y tế do bác sĩ đảm trách sẵn sàng sơ cấp cứu khi NLĐ bị tai nạn, bị bệnh và điều trị bệnh thông thường.
Sớm giải quyết chế độ cho người bị nạn
Liên quan vụ TNLĐ làm 10 người thương vong, xảy ra ở Nhà máy Xi măng Yên Bái (thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có công văn yêu cầu Sở LĐ-TB-XH tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện những hoạt động hỗ trợ cũng như giúp đỡ gia đình các nạn nhân, đồng thời giải quyết kịp thời chế độ TNLĐ cho người bị nạn và thân nhân của họ. Bộ cũng yêu cầu Sở LĐ-TB-XH tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan để nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNLĐ này để phòng ngừa tái diễn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, xem xét trách nhiệm hình sự nếu có.
Đối với Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra TNLĐ; đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, giải quyết các chế độ, chính sách cho người bị nạn và thân nhân người bị nạn.
N.Tú
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-4
Bình luận (0)