xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi đau khôn nguôi

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tai nạn lao động để lại hậu quả nặng nề cho người lao động và gia đình

Trong căn nhà nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP HCM, anh Nguyễn Văn Hóa (SN 1986) tập tễnh tập đi lại trong nhà một cách khó khăn. Từ một người khỏe mạnh, trụ cột của gia đình, vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra cách đây 3 năm đã cướp của anh Hóa tất cả: đôi mắt, việc làm, hạnh phúc gia đình.

Ám ảnh cả đời

Tháng 3-2021, trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH Corsair Marine International (quận 7, TP HCM), anh Hóa bị dụng cụ cố định thân tàu va đập vào mắt phải, gây vỡ nhãn cầu và bị mù vĩnh viễn. Chỉ một phút bất cẩn ấy khiến anh rơi vào tuyệt vọng bởi trước đó, mắt trái của anh cũng đã không nhìn được do di chứng của căn bệnh viêm màng não.

Mất thị lực vĩnh viễn, anh Hóa phải nghỉ việc, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào khoản trợ cấp TNLĐ hằng tháng. Cũng vì cuộc sống bế tắc nên vợ chồng anh nảy sinh bất đồng dẫn đến ly hôn, anh với đôi mắt mù lòa quyết định nhận nuôi con. "Con gái chính là niềm an ủi với tôi lúc này. Tôi rất muốn học nghề để tìm việc nuôi sống bản thân và cho con một điểm tựa nhưng rất ít cơ hội" - anh Hóa bộc bạch.

Đại diện Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn - LĐLĐ TP HCM thăm hỏi, hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Văn Hóa Ảnh: HỒNG ĐÀO

Đại diện Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn - LĐLĐ TP HCM thăm hỏi, hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Văn Hóa Ảnh: HỒNG ĐÀO

Nhiều năm trôi qua, TNLĐ vẫn là nỗi ám ảnh đối với mẹ con anh Nguyễn Minh Tâm (ngụ phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM). Anh Tâm từng là công nhân Công ty TNHH Tanaka (KCX Tân Thuận, quận 7). Nhắc lại biến cố của con trai cách đây hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Liên rơm rớm nước mắt. Dù không tận mắt chứng kiến nhưng nghe các đồng nghiệp kể lại thì con trai bà đã "chết đi sống lại". 

Trong lúc làm việc, anh Tâm bị thiết bị điện rơi đè trúng người dẫn đến bất tỉnh, thậm chí ngưng tim. "Thương tích quá nặng đến mức ai cũng nghĩ không qua khỏi, nhưng nó may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, do tỉ lệ thương tật đến 91% nên con tôi gần như không có cơ hội làm lại cuộc đời" - bà Liên ngậm ngùi.

Vụ tai nạn đã để lại di chứng rất nặng nề, từ một thanh niên hoạt bát, anh Tâm bị mất khả năng nhận thức, chỉ có thể quanh quẩn ở nhà. Điều an ủi lớn nhất với bà Liên là anh vẫn nhận ra mẹ và rất thương bà. Hiện hai mẹ con chỉ sống dựa vào khoản trợ cấp TNLĐ của anh Tâm.

Tương lai mờ mịt

TNLĐ không chỉ khiến chị Đặng Thị Yến, công nhân một nhà máy sợi ở KCX Tân Thuận, mất đi khả năng lao động mà tuổi thanh xuân cũng khép lại. Kể từ sau vụ TNLĐ cách đây 25 năm, cuộc sống của chị là chuỗi ngày chịu nỗi đau thể xác hành hạ cùng với sự mặc cảm, tự ti.

Nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng vào đêm 10-3-1999, chị Yến vẫn còn rùng mình. Khi đó, chị đang vệ sinh máy chải sợi thì 2 tà áo bị trục gạt gòn cuốn lấy. Luống cuống, chị cố gỡ vạt áo nhưng cả 2 tay bị máy cuốn vào, bất tỉnh tại chỗ. Tỉnh dậy ở bệnh viện, khi thấy cả 2 cánh tay không còn, toàn thân đau đớn vì bị gãy cùng lúc 5 xương sườn, chị như chết lặng. 

Chuỗi ngày tháng sau đó vô cùng bế tắc, chị chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào mẹ. Thương đứa con bất hạnh, mẹ chị nghỉ làm để ở nhà chăm sóc nhưng sóng gió cứ liên tiếp ập xuống. Nợ nần chồng chất khiến ba mẹ chị phải bán nhà để trả nợ, dắt díu nhau đi ở trọ tại huyện Nhà Bè cho đến bây giờ. Ba chị vốn là trụ cột duy nhất trong gia đình 4 miệng ăn, sau một cơn tai biến đã mất sức lao động rồi qua đời vài năm sau đó.

Trải qua nhiều biến cố, cả tinh thần lẫn sức khỏe của chị Yến đều suy kiệt, chị đang mang trong người hàng loạt căn bệnh nguy hiểm như hở van tim, viêm hang vị bao tử, sỏi thận, u xơ tử cung. Những năm qua, số lần chị nằm viện cứ tăng dần trong khi cuộc sống ngày càng chật vật vì chỉ bám víu vào trợ cấp TNLĐ. "Những vết thương cứ trái gió trở trời lại đau, còn bệnh thì triền miên từ năm này qua năm khác khiến tôi dập tắt hy vọng. Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi muốn buông xuôi nhưng thương mẹ nên tự động viên mình phải ráng sống" - chị Yến ứa nước mắt.

Bất hạnh không kém là trường hợp của anh Trần Lê Hữu Hiền - nhân viên bảo trì một công ty chuyên lắp đặt, sửa chữa thang máy tại quận Tân Bình, TP HCM. Vụ TNLĐ nghiêm trọng vào năm 2021 khi đang sửa chữa thang máy đã khiến cuộc sống của anh đi vào ngõ cụt. Vụ tai nạn khiến anh chấn thương cột sống và bị liệt nửa người, tỉ lệ thương tật 96%. 

Dù trải qua hơn 3 tháng điều trị tại bệnh viện, sau đó là tập vật lý trị liệu tại nhà nhưng đến nay anh vẫn chưa thể tự đi lại, vệ sinh, mọi việc đều phải có sự trợ giúp của vợ. Cả gia đình sống phụ thuộc vào trợ cấp TNLĐ hằng tháng của anh, cuộc sống rất chật vật. 

Xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm

Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội), hậu quả của những vụ TNLĐ là rất nặng nề. Để hạn chế TNLĐ, cơ quan thanh tra lao động cần có kế hoạch thanh tra định kỳ, đột xuất với những nhà máy, cơ sở sản xuất lớn, đông công nhân, có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao. Cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm định an toàn, vệ sinh lao động, nhất là đối với các cơ sở có dây chuyền máy móc quy mô lớn, hoạt động nhiều năm; chủ động trong việc phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm các DN vi phạm về an toàn lao động.

H.Thanh ghi

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo