Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói rằng: Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo. Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckhardt nói giữ VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu. Cái này phải nói thẳng là không tin được!
Nói như đùa
Chuyện xưa, làng nọ cần làm con đường chung. Ai cũng phải đóng góp. Bà lão nghèo góp cả gia tài của bà 10 đồng. Ông nhà giàu góp 10 đồng trong gia tài 100 đồng. Nếu nói về số tiền thì họ góp bằng nhau. Nhưng nói trên tỉ lệ của cải thì bà già góp 100%, ông nhà giàu góp 10%.
Trong thời hiện đại, người nghèo hay người giàu gì cũng phải đóng góp bằng thuế để công khố lo cho việc chung. Các loại thuế đều được thiết kế sao cho ai cũng còn dư để tích lũy. Tuy vậy, VAT là thuế trên hàng tiêu dùng, nên người nghèo và người giàu khi mua một bình xăng, mua một cái áo cho con đi học, đều nộp thuế VAT tỉ lệ bằng nhau. Điều khác biệt là túi tiền người nghèo cạn nhanh hơn người giàu, khi tăng thuế VAT.
Chẳng thế mà ông bà ta đã có câu: "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Người nghèo thu nhập được bao nhiêu thì chi hết cho hàng hóa thiết yếu - những thứ không có thì "chết", như gạo, rau, áo, chỗ trọ, thuốc men. Như vậy, người nghèo đóng góp vào thuế một tỉ lệ lớn trong "cả tài sản". "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". "Một miếng" tuy nhỏ hơn "một gói" nhưng là "tất cả" khi người ta đói.
Như vậy, phát biểu rằng tăng thuế VAT không ảnh hưởng người nghèo là không dựa vào thực tiễn.
Nói có sách mách có chứng. Ai cũng biết ở nước ta số người nghèo đông hơn. Điều này dẫn đến chuyện số lượng hàng hóa cho thị trường này nhiều hơn. Mà người nghèo thì mua hết số tiền họ có để đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Vậy, tăng VAT đồng nghĩa tác động vào số đông dân số. Nói tăng VAT không ảnh hưởng người nghèo thì giống như không thấy số đông này vậy.
Người trung lưu và người thu nhập cao, ngoài chi cho hàng hóa thiết yếu giống như người nghèo, họ còn có dư để tích lũy và tái đầu tư. Nhóm này có lựa chọn hàng xa xỉ. Nói giữ mức VAT thấp trong nhóm hàng này chỉ có lợi cho người giàu cũng không thực tế. VAT tăng làm giá cả tăng, thì họ cũng cân nhắc khi mua hàng.
Đó là con đường... nghèo mãi!
Bộ Tài chính nói có một số mặt hàng được giảm VAT nhằm tránh tổn thương thu nhập của người nghèo. Thí dụ, hạt giống, con giống có mức thuế VAT thấp. Tuy vậy, hạt giống thành rau đã gánh nhiều loại VAT như phân bón, vận chuyển, dầu máy. Từ đồng đến nhà buôn, qua vận chuyển, đến chợ hoặc siêu thị, một lần mua-bán là một lớp VAT. Một chuyến xe rau, qua một trạm BOT là một lần VAT. Người nghèo cuối chuỗi tiêu dùng gánh hết vào việc tăng giá. Túi tiền của "bà lão nghèo" cạn nhiều % hơn.
Ông bà nói "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Kinh nghiệm này truyền đời rằng phải dùng tài sản một cách hiệu quả. Công khố cũng vậy, phải đầu tư hiệu quả. "Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp". Một đồng công khố tuy nhỏ hơn một gia tài của một người nhưng công hiệu của nó thì mạnh hơn nhiều.
Người rỗng túi, cuối chuỗi, chẳng có lợi gì khi VAT tăng, cũng chẳng thể tăng trưởng đóng góp khi không còn đồng nào để bồi bổ tái đầu tư cho sức lực và trí tuệ. Cơ hội có đến lần nữa, họ cũng chẳng thể nắm bắt.
Đó là con đường nghèo mãi của người nghèo. Xin hỏi Bộ tài chính có thấu hiểu điều này hay không?
Bình luận (0)