Hai lý do chính để dự án có kinh phí đầu tư 1.130 tỉ đồng này biến mất trên bản đồ BOT giao thông cả nước: Thứ nhất, nó trái với Nghị quyết 437 của Ủy ban TVQH vừa ban hành ngày 21-10: hình thức BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường làm mới và có sự lựa chọn cho người dân; trong khi Quốc lộ 30 là dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu. Thứ hai, dự án đang vấp phải sự phản ứng từ người dân trong việc giải phóng mặt bằng và cả trong kế hoạch thu phí.
"Trảm" dự án không có nghĩa là vẫn ngó lơ để Quốc lộ 30 - đóng vai trò kết nối khu vực ĐBSCL - trở thành nút thắt giao thông giữa 2 địa phương, mà là thay đổi cách làm: duy tu, sửa chữa lại mặt đường cũ bằng tiền ngân sách; làm một tuyến đường mới song hành với tiêu chuẩn đường cấp cao. Khi đó, người dân có quyền lựa chọn, ai không muốn mất tiền thì lưu thông qua Quốc lộ 30 cũ; ai muốn đi nhanh, an toàn thì đi tuyến đường mới và phải trả phí.
Sòng phẳng như vậy, dân sao có thể phản đối được!
Chuyến "thân chinh" của tư lệnh ngành giao thông đến tỉnh Đồng Tháp đúng thời điểm kỳ họp Quốc họp đang còn tiếp diễn. Và, "kiếm lệnh" được rút ra ngay sau lời nhắc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên trả lời chất vấn vào cuối tuần qua: "Chính phủ đã nhìn ra những bất cập trong hình thức này và đang quyết liệt chấn chỉnh".
Sau đúng 20 ngày nhận ấn tư lệnh ngành GTVT, lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "ra tay" chấn chỉnh các dự án BOT giao thông "không giống ai".
Lời hứa khi nhậm chức của Bộ trưởng người dân vẫn chưa quên và sẽ không bao giờ quên!
Và nói thẳng với Bộ trưởng, những dự án "anh em" với dự án mở rộng Quốc lộ 30 còn rất nhiều trên địa bàn cả nước; những trạm thu phí BOT đặt sai vị trí vẫn còn nhan nhản; những khuất tất trong chỉ định thầu hàng chục dự án BOT giao thông vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục…
Vì thế, người dân muốn rằng "kiếm lệnh" mà Bộ trưởng đang nắm trong tay mãi nằm ngoài vỏ trên đường "chinh phạt"; đừng để nó rỉ sét, bội ước lòng tin.
Bình luận (0)