Ai cũng thấy câu chuyện cán bộ nghỉ hưu lại được cử đi học tập kinh nghiệm của nước ngoài là ngược đời, bởi chẳng giúp ích gì được cho bộ, ngành, địa phương; ngược lại còn gây lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn. Thanh tra Chính phủ cũng nhận ra vấn đề này nên trong năm 2018 đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đối với các bộ, ngành, địa phương.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ kết luận trong giai đoạn 2012-2016, các bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã có 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang cũng không kém khi có đến 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài.
Trong 5 năm qua, các đơn vị đã cử hơn 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ đi nước ngoài với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng. Thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu.
Trong khi kết luận các bộ, ngành, địa phương vi phạm thì chính Thanh tra Chính phủ lại đi vào vết xe đổ như các đơn vị đã bị thanh tra. Cụ thể, chỉ trong năm 2018, nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ của Thanh tra Chính phủ nghỉ hưu hoặc chuẩn bị nghỉ hưu được cử đi nước ngoài học tập. Chẳng hạn, Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ Lê Khả Thanh nghỉ hưu ngày 6-6-2018 thì ngày 6-8-2018 được cử đi Nhật Bản 8 ngày để học tập. Ông Vũ Huy Tác, Cục phó Cục III, nghỉ hưu ngày 14-9-2018 thì trước đó 3 ngày (11-9-2018) được cử đi Hàn Quốc học tập kinh nghiệm chống tham nhũng. Ngày 13-9-2018, Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Thanh Hải nghỉ hưu thì cùng ngày, ông được cử đi Nga 9 ngày để học tập. Chỉ có trường hợp Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt là từ chối đi Đan Mạch học tập công tác chống tham nhũng sau khi có quyết định nghỉ hưu.
Thanh tra Chính phủ biết rõ việc cử cán bộ nghỉ hưu hoặc chuẩn bị nghỉ hưu đi học tập kinh nghiệp là vi phạm, lãng phí ngân sách nhưng vẫn làm là không thể chấp nhận được. Biết luật mà phạm luật thì phải xem là cố tình vi phạm. Cũng chính Thanh tra Chính phủ đi thanh tra các nơi khác, kết luận người khác làm sai, trong khi cơ quan mình cũng sai y chang vậy thì làm sao nói người khác nghe!
Điều này rất tai hại, làm tổn hại uy tín của Chính phủ. Bởi theo Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9-4-2018 của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Với chức năng này, Thanh tra Chính phủ chính là đơn vị tham mưu cho Chính phủ trong việc kiểm tra việc chấp pháp của bộ máy hành pháp. Với vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong bộ máy hành pháp, lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải làm gương, tuyệt đối thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật.
Việc làm trên còn đi ngược lại chủ trương về việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ đã dày công xây dựng. Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu: "Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Pháp luật phải được bảo đảm thi hành trong toàn xã hội, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu, gương mẫu trong việc chấp pháp, nhất là đối với ngành hành pháp và tư pháp.
Vì vậy, việc làm của Thanh tra Chính phủ là rất đáng bị phê phán và cần được Chính phủ xử lý để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Bình luận (0)