Có ít nhất 3 Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo "nóng" liên quan đến các dự án BOT giao thông – vấn đề đã và đang gây bức xúc trong dư luận.
Người dân, doanh nghiệp vận tải cảm thấy ấm lòng!
Ấm lòng bởi sự việc không còn loanh quanh ở bộ chủ quản (Bộ GTVT), mà đã đến cấp cao hơn.
Ấm lòng bởi những chỉ đạo rất sát với bức xúc của dư luận: Phải tổng rà soát vị trí đặt trạm thu phí BOT để khẳng định những vị trí phù hợp hoặc chưa phù hợp theo quy định pháp luật. Đây mới là nút thắt của vấn đề.
Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức công tư PPP nói chung và BOT nói riêng, nhất là trong lĩnh vực giao thông là rất kịp thời và đúng đắn khi tiềm lực kinh tế quốc gia còn yếu. Nhưng, từ khi bắt tay vào thực hiện đến nay, ngoài những mặt tích cực đã đạt được, nó cũng bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến ngày càng trở nên biến tướng và khó kiểm soát. Tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Xét về cơ bản, người dân đã nắm được và ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng là ủng hộ với những dự án BOT thực sự hữu hiệu, mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển giao thông, kinh tế và đời sống. Đó là lý do tại sao đến thời điểm này đã có 88 dự án BOT giao thông đi vào vận hành nhưng chỉ một số ít vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dân? Bộ GTVT cần nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan, không thể đổ lỗi cho người dân phản đối là vì không nắm được chủ trương, lợi ích của BOT; từ đó đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trực tiếp của mình.
Nguyên nhân và giải pháp xử lý đã được nhắc đến nhiều, nhưng đến nay biện pháp mà Bộ GTVT đề ra vẫn chỉ mang tính đối phó, chưa thực sự thỏa mãn ý chí chung. Nói thẳng, bộ đã không dám nhận trách nhiệm trực tiếp về mình.
Khuyết điểm, sai sót có thể có từ nhiều phía, khách quan lẫn chủ quan. Từ hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đến tầm nhìn còn hạn chế của người lãnh đạo, từ sự cố ý trục lợi của người trong cuộc..., nhưng sai sót, khuyết điểm không thể chỉ nhận suông rồi tự kiểm điểm một cách chung chung, khi nó trực tiếp liên quan đến quyền lợi của số đông.
Dù đã có chỉ đạo ở cấp cao, nhưng dư luận không thể không đặt câu hỏi: liệu khi giao cho Bộ GTVT rà soát, có rơi vào cảnh "vừa đá bóng vừa thổi còi" bởi bộ này đang là địa chỉ trực tiếp quản lý các dự án BOT giao thông?
Chính phủ nên giao trực tiếp cho Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát, thanh tra toàn diện, từ khâu đầu đến khâu cuối, nếu phát hiện có sai sót thì chỉ rõ ở những khâu nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm? Có hay không lợi ích nhóm ở đây? Và khi phát hiện ra sai phạm thì phải cương quyết sửa, không nên đặt vào chuyện đã rồi, để tình hình tiếp diễn mãi.
Bộ GTVT cần thể hiện sự cầu thị, tiếp thu một cách nghiêm túc. Chứ không thể lại bắt đầu bằng câu "… từ bây giờ trở đi…" nữa.
Giao thông Việt Nam hiện vẫn là vùng trũng trên bản đồ giao thông thế giới. Để phát triển, ngoài ngân sách nhà nước thì đang cần huy động rất nhiều sự đóng góp từ bên ngoài. Để làm được điều này, vấn đề quan trọng nhất chính là tranh thủ được sự ủng hộ từ người dân, từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mà muốn thế thì Chính phủ cần sớm có kết luận chính thức về tình trạng các trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ, đang gây bức xúc.
Hành động quyết liệt là "phẩm chất" của một Chính phủ kiến tạo!
Bình luận (0)