Tổng đầu tư cho gần 140 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là gần 35.000 tỉ đồng, từ nguồn vay JICA, World Bank và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tính ra, để có 1 km đường cao tốc này, phải tốn tới 250 tỉ đồng. "Đắt" kinh hồn!
Khởi công từ ngày 19-5-2013, phải hơn 5 năm sau, ngày 2-9-2018, đường cao tốc này mới hoàn thành toàn tuyến, đưa vào vận hành, sử dụng, trễ hơn rất nhiều so với tiến độ đề ra.
Nhưng chỉ tích tắc hơn một tháng "cho chạy", đường cao tốc "đắt xắt ra miếng" này đã hư hỏng, nhiều chỗ sụt ổ voi, ổ gà, bong tróc mặt đường, đọng nước. Vị quan chức bên chủ đầu tư dự án giải thích như nói giỡn chơi: Đường hư là do mưa nhiều và xe đông gây quá tải (?!).
Dân giao thông mà nói kiểu này, chẳng hiểu sao lại leo lên được tới cái ghế cao đến vậy! Đặc thù Trung Bộ là nắng lắm mưa nhiều, còn đường cao tốc thì hẳn nhiên đông xe, chạy tốc độ cao..., do vậy khi thiết kế đã phải tính tới mọi đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và lưu lượng xe qua lại để bảo đảm tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Lý giải "đường hỏng do mưa" bị Bộ GTVT và các chuyên gia cầu đường bác bỏ. Còn người dân thì nghĩ: Nếu như vậy, chắc phải dựng... mái che cho đường cao tốc và yêu cầu các chủ phương tiện khi lên cao tốc phải... chạy thật chậm để tránh hư hỏng mặt đường!
Những ngày này, chủ đầu tư đang cho vá, trải thảm lại những đoạn mặt đường bị hỏng. Nhìn mặt đường mới được thảm lại thấy thảm làm sao và trong 1-2 tháng tới chắc sẽ thảm hơn nữa bởi từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi bước vào cao điểm mưa bão. Những chỗ bị thi công gian dối, cẩu thả chắc chắn sẽ lòi ra thêm.
Không chỉ mất uy tín với người dân trong nước, xì-căng-đan của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn khiến chúng ta xấu hổ với bạn bè quốc tế. Các tổ chức lớn như World Bank, JICA quý trọng Việt Nam nên họ mới cho vay, hỗ trợ; kèm theo đó là niềm tin được gửi gắm về chất lượng công trình, về triển vọng làm đổi thay kinh tế - xã hội. Vậy mà...
Nhỏ hơn là dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội), có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của World Bank, sau 2 năm hoạt động mới chỉ sử dụng được chưa đầy 50% công suất. 9 tháng năm 2018, BRT Hà Nội đạt 92.838 lượt xe, số lượng hành khách là 3,72 triệu lượt; trung bình 40,2 khách/lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong dự án này. Ví dụ, để thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn đi nước ngoài nghiên cứu, khảo sát (năm 2004, 2009, 2014). Sau đó, 1 đoàn không có báo cáo kết quả, 2 đoàn có báo cáo nhưng lại không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Do vậy không đạt mục tiêu của việc khảo sát. Hoặc xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Trách nhiệm đối với những sai phạm trong dự án thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế.
Đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thanh tra Chính phủ cũng nên vào cuộc nhưng phải chỉ ra được cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm; không nêu trách nhiệm tập thể chung chung rồi huề cả làng.
Nếu cứ để như vậy thì tham nhũng và thất thoát trong đầu tư, xây dựng cơ bản chẳng biết bao giờ chấm dứt trong khi nợ công cứ tăng vùn vụt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán: Năm 2018, nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỉ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỉ đồng của năm 2017. Như vậy, từ chỗ mỗi người dân chỉ "gánh" 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017 thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ tăng thêm 4 triệu đồng, lên 35 triệu đồng. Nhưng chưa dừng lại ở đó vì cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ công năm 2019 dự kiến tăng lên hơn 3,9 triệu tỉ đồng và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2020.
"Tư lệnh" ngành GTVT và lãnh đạo các bộ - ngành, địa phương có dự án ngàn tỉ thất thoát, kém hiệu quả... nhìn vào những số liệu này có thấy nóng mặt không, có thấy tấm lưng của người dân đã còng thêm xuống hay không?
Bình luận (0)