Chuyện khó tin này là có thật, hoàn toàn chẳng phải fake news (tin giả). Mới đây, trang bán hàng qua mạng danh tiếng thế giới Amazon tại Nhật Bản (địa chỉ amazon.co.jp) rao bán "chổi bông cỏ Việt Nam" với giá 12.000 yen, tương đương 2,5 triệu đồng/cây.
Chưa hết bất ngờ, trước đó trang này rao bán lá chuối Việt Nam có giá tới 500.000 đồng/lá (quy tiền Việt) hay túi cám con cò loại cà tàng mà đến những 400.000 đồng/chiếc (quy tiền Việt).
Trong khi đó, chổi đót, chổi chít ở Việt Nam làm kỳ công đến mấy cũng chỉ có thể bán được 30.000 đồng/cây, túi cám con cò thì rẻ bèo còn lá chuối thì bán như cho.
Từ đây mới thấy sản phẩm Việt sẽ thật sự có giá trị nhất định nếu gặp kênh phân phối chuyên nghiệp. Hàng thủ công Việt Nam xưa nay bán giá rẻ mà an phận với "ao làng" cũng bởi không khai thông được đầu ra, không tìm được nơi cần mua và thích dùng. Từ đó dẫn đến giá trị thấp, lãng phí rất nhiều nguồn lực và giá trị hàng hóa mang lại lẽ ra bên sản xuất được hưởng phần lớn thì nó lại chảy cả vào túi các kênh trung gian, chủ yếu là nước ngoài.
Ở đây, mượn chuyện giá chổi đót Việt Nam trên Amazon để dẫn dắt đến chuyện khác. Chuyện gì? Nhiều người có thể nhớ ngay đến tuyên bố của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, bị kỷ luật hồi tháng 10-2017: Có nhiều tiền để xây biệt phủ là nhờ buôn chổi đót!
Lúc đó chẳng ai tin ông giám đốc sở vì giá chổi đót ở Việt Nam chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/cây thành phẩm, trong khi ông Quý đang xây vừa xong khu biệt phủ thênh thang, nguy nga giữa lòng TP Yên Bái, biết bán bao nhiêu tấn đót cho đủ tiền mà xây!
Đó là chưa nói ông ấy còn tích lũy khối bất động sản "khủng" chẳng ai biết, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố thì thiên hạ mới "à ra thế": Năm 2014, ông Quý đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp vợ ông Quý đứng tên; năm 2015, ông Quý không kê khai trên 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; năm 2016, ông Quý đã kê khai thiếu gần 4.900 m2 đất ở, 27.500 m2 đất nông nghiệp đứng tên vợ ông...
Phải chi khi ấy Amazon rao bán chổi đót Việt Nam được giá "khủng" như thế thì đỡ cho ông Quý biết mấy, thiên hạ cũng sẽ tin phần nào, chứ đâu như cứ bỉ bôi "miệng quan - trôn trẻ"!
Kể riêng trường hợp ông Quý để nói tới một vấn đề lớn hơn, cay đắng hơn, đó là tài sản của quan chức sau khi xác định là kê khai thiếu trung thực, có nguồn gốc không rõ ràng, bất minh... thì cũng chẳng làm được gì, nó vẫn thuộc về chủ-sở-hữu-bị-nghi-ngờ-do-tham-nhũng-mà-có, nhà nước không thu hồi hay làm gì được.
Mới đây, Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và có nhiều ý kiến khác nhau về đánh thuế hay tịch thu tài sản bất minh của quan chức.
Là cán bộ, công chức thì phải có nghĩa vụ minh bạch tài sản, thu nhập theo luật định. Tài sản không giải trình được, có dấu hiệu do hành vi bất minh mà có thì phải thu, sung công quỹ chứ sao lại chỉ thu thuế? Lẽ nào quan chức tham nhũng rồi đóng thuế trên tài sản tham nhũng đó (ví dụ 45%, như đề xuất trong dự án) là xong, rồi hưởng thụ phần còn lại?
Cho nên, không xử lý, thu hồi và sung công được tài sản bất minh của quan chức thì công cuộc chống tham nhũng khó thành công. Và sẽ còn rất nhiều quan chức giàu có dễ dàng nhờ... buôn đót, nuôi heo và chạy xe ôm!
Khi viết những dòng này thì ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, nhiều người trong số hàng trăm giáo viên trong diện sắp bị cắt hợp đồng dạy học đã viết đơn tố cáo họ từng chung chi số tiền lớn để được ký hợp đồng, có chỗ dạy. Trong các đời chủ tịch huyện Krông Pắk trước đây phóng bút ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên đó có một vị từng tuyên bố "có tiền xây biệt thự là nhờ chạy xe ôm thời trẻ tích cóp được" - giải thích về ngôi biệt thự xây trên đất nông nghiệp của ông.
Muốn biết rõ thì hãy hỏi mấy trăm giáo viên mà bây giờ là nạn nhân ấy và những người đồng nghiệp chạy xe ôm với ông ngày nào. Còn tin hay không thì phải chờ Amazon, biết đâu mai mốt trang này rao một cuốc chạy xe ôm ở Việt Nam có giá mấy triệu đồng thì có phải chúng ta đã nghĩ oan cho ông cựu chủ tịch huyện hay không!
Chổi đót (chổi bông cỏ) Việt Nam được rao bán trên trang Amazon Nhật Bản
Bình luận (0)