HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ Organic và Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F (tổ Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) do anh Nguyễn Văn Hà làm giám đốc đang trong giai đoạn ăn nên làm ra nhờ cây phúc bồn tử.
Vừa được giá vừa bảo vệ môi trường
Năm năm trước, vốn kinh doanh nhà trọ, khách sạn, nhà hàng tại trung tâm TP Đà Lạt, khi bắt tay vào làm nông nghiệp, anh Hà trồng các loại rau xà lách lolo, romaine xanh, đỏ, cải xoăn, cải cầu vồng, cải bông hồng, astisô... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây 2 năm, được người bạn ở châu Âu tặng giống cây phúc bồn tử (còn gọi là dâu rừng, mâm xôi) Israel, anh dành 2 sào đất trồng thử.
Trang trại phúc bồn tử hữu cơ đạt chuẩn organic Nhật Bản tại TP Đà Lạt
Đến nay, anh Hà đã có hơn 4,5 ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ ngay dưới chân núi Langbiang. Trong đó, hơn 2,5 ha phúc bồn tử được chăm sóc bằng hệ thống nhỏ giọt tự động. Mỗi tháng, các nông trại của anh cho thu hoạch hơn 4 tấn trái đạt chuẩn. Sau khi xử lý và đóng gói, anh xuất bán ra thị trường với giá hơn 200.000 đồng/kg (phúc bồn tử đỏ) và 900.000 đồng/kg (phúc bồn tử đen). Ngoài ra, sản phẩm còn được chế biến thành rượu vang, kẹo sô-cô-la, trà... với giá trị kinh tế cao.
Theo anh Hà, sản phẩm bán được giá như vậy là nhờ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận quốc tế. "Làm nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều cái lợi, đó là sức khỏe cho người canh tác, môi trường dân sinh không bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại, cách sản xuất theo tự nhiên giúp cây trồng rất khỏe, sản phẩm an toàn" - anh Hà vừa diễn giải vừa dẫn chúng tôi đi dọc những luống phúc bồn tử còn lẫn cỏ dại.
"Không cần dọn sạch cỏ, chỉ tỉa thưa thôi. Nhiều loài côn trùng sống trong cỏ sẽ tiêu diệt sâu bọ hại cây. Đã làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên nghĩa là cứ để chúng tự sinh tự diệt, mình sẽ giảm được tối đa lượng hóa chất diệt trừ can thiệp" - anh Hà giải thích.
Đẩy mạnh khâu chế biến
Anh Hà cho biết phúc bồn tử khá phổ biến ở Việt Nam nhưng giống châu Âu được nghiên cứu lai tạo thì khá hiếm. Nhờ được người bạn giới thiệu giống, sau một thời gian nghiên cứu, Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F của anh đã trồng và thuần chuẩn thành công phúc bồn tử Israel.
Sau nhiều năm gắn bó với loại cây này, anh Hà mày mò làm các chế phẩm từ phúc bồn tử tươi như nước ép lên men, nước cốt, mứt. "Làm nông nghiệp hữu cơ mà chỉ bán hàng tươi thì rất bấp bênh, nguy cơ thua lỗ do ùn ứ hàng rất cao. Trong khi đó, chế biến sẽ giải quyết được bài toán dư thừa sản lượng và đa dạng sản phẩm, thêm giá trị gia tăng" - anh Hà phân tích.
Giới thiệu với chúng tôi nước ép phúc bồn tử đen, chị Tôn Nữ Thanh Mỹ, vợ anh Hà, cho biết đây là những sản phẩm đầu tiên nên vị còn hơi ngọt. Theo chị Mỹ, Công ty Dâu rừng Langbian.F đã được cấp giấy phép sản xuất rượu vang và các sản phẩm khác từ nguyên liệu phúc bồn tử. Công ty đang xây thêm nhà xưởng, sẽ làm phòng nghiên cứu vi sinh và thuê kỹ sư nghiên cứu để giảm tối đa lượng đường nhưng vẫn giữ được những tinh chất tự nhiên để người bị tiểu đường, béo phì có thể dùng được.
"Sản phẩm từ phúc bồn tử rất tiềm năng nhưng chỉ mới cung ứng cho thị trường trong nước. Chúng tôi đang hoàn thiện kỹ thuật và hệ thống nhà xưởng, định hướng sẽ xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu" - anh Hà kỳ vọng.
Sạch từ con người đến sản phẩm
Theo anh Hà, để lấy được chứng chỉ nông nghiệp theo chuẩn organic Nhật Bản, phải thỏa mãn hơn 1.000 tiêu chí. Trong đó, sản phẩm phải được canh tác và sản xuất theo môi trường tự nhiên kết hợp với bảo vệ cuộc sống cộng đồng, nghĩa là sạch từ con người đến sản phẩm. "Các tiến sĩ, kỹ sư người Nhật đến kiểm tra, lấy mẫu lá cây trồng và cỏ xung quanh vườn làm mẫu để test chỉ tiêu theo chuẩn organic của Nhật. Chỉ cần 1 mẫu "dính" hóa chất độc hại thì kết quả sẽ không đạt, không được cấp chứng nhận" - anh tiết lộ.
Bình luận (0)