Cuộc bứt tốc của Vsmart được đánh giá là rất ngoạn mục. Trong những tuần đầu tháng 1-2020, Vsmart vẫn ở vị trí thứ 6-7 trên thị trường thì đến tháng 3 đã vươn lên chiếm lĩnh 16,7% thị phần, đồng thời gia nhập nhóm 3 thương hiệu có thị phần trên 15%. Đáng lưu ý, đến hết tháng 3, Vsmart Joy 3 (phiên bản 2GB và 3GB RAM) đã lọt vào nhóm 3 sản phẩm bán chạy nhất phân khúc 2-3 triệu đồng/chiếc. Các sản phẩm của Vingroup cũng áp đảo thị trường ở phân khúc dưới 2 triệu đồng/chiếc và dưới 1 triệu đồng/chiếc.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động, giá bán các mẫu Vsmart vốn đã hấp dẫn nhưng vẫn được giảm thêm. Chẳng hạn, dòng Bee của hãng này giảm từ mức 1,3 triệu đồng/chiếc còn 800.000 đồng/chiếc. Các mẫu điện thoại di động khác cùng phân khúc như Xiaomi, Vivo, Realme... cũng buộc phải giảm giá theo với mức giảm phổ biến 5%-10%.
Nhiều thương hiệu điện thoại giá rẻ giảm giá theo Vsmart Ảnh: LONG GIANG
Trong khi đó, sức tiêu thụ điện thoại cũ, mới trên thị trường đều có dấu hiệu giảm sút do tình hình dịch bệnh. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics mới đây, lượng tiêu thụ smartphone toàn cầu tháng 2-2020 giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân, ngoài việc sản xuất smartphone tại Trung Quốc bị đình trệ còn do nhu cầu mua sắm của người dùng thấp hơn.
Tại Việt Nam, các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động cũng ghi nhận lượng khách hàng sụt giảm đáng kể. Anh Huỳnh Lâm, kinh doanh điện thoại di động mới và cũ tại TP HCM, cho biết tình hình kinh tế khó khăn khiến sức tiêu thụ điện thoại từ đầu năm đến nay rất yếu. Nhiều mẫu máy cũ được giảm giá "hết nấc" nhưng vẫn không bán được.
Bình luận (0)