Rạng sáng 15-3, các trang mạng xã hội phát tán 1 đoạn video clip ghi lại cảnh hỗn chiến được cho là của những người bán hàng ở chợ đêm Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Nhiều người đã tỏ ra bất bình và cho biết cuộc hỗn chiến xảy ra do tranh giành khách.
Thường xuyên đánh nhau
Chợ đêm Đà Lạt hoạt động từ 18 giờ cho đến rạng sáng hôm sau, là một nét đặc trưng của TP ngàn hoa. Theo những người lớn tuổi ở TP này, chợ đêm Đà Lạt hình thành hơn nửa thế kỷ qua, từ thời đô thị chưa có đèn chiếu sáng thâu đêm, những gánh hàng rong bán hột vịt lộn, xôi, sữa đậu nành trước khu vực chợ Đà Lạt đốt đèn dầu, bếp củi bập bùng trong sương trông giống ở “cõi âm” nên mới có tên chợ Âm Phủ. Sự giản đơn, dân dã đó lại có sức hút đối với du khách và chợ đêm Đà Lạt trở thành địa chỉ ẩm thực về đêm hấp dẫn, nổi tiếng.
Thế nhưng, gần đây lại nảy sinh nhiều vấn nạn như: chèo kéo, tranh giành khách, các băng nhóm côn đồ tụ tập gây gổ, đâm chém nhau ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Trong đó, xảy ra thường xuyên nhất là nạn chèo kéo, tranh giành khách. Cách đây khoảng 3 năm, tại chợ đêm Đà Lạt, do mâu thuẫn khi giành khách vào quán, Hồ Ngọc Nhân (16 tuổi) bị một “cò” của hàng quán bên cạnh dùng dao đâm thủng phổi, gục tại chỗ. Cũng tại khu vực chợ này, ngày 28-7-2013, trong lúc mua dâu tây, chị H.N.T (26 tuổi), du khách đến từ Kiên Giang, bị người bán hàng rong là Phạm Thị Hương (34 tuổi) đánh ngất xỉu.
Không những thế, du khách cũng thường bị “chặt chém” khi đến đây. Nhiều quán ăn tại chợ đêm Đà Lạt tự tung tự tác, xem mặt đặt... giá, chủ quán thuê người hăm dọa, buộc khách trả tiền không đúng như giá niêm yết.
“Khu vực chợ Đà Lạt là một trong những địa điểm tham quan khi du khách đến TP này. Thế nhưng, hiện rất bát nháo, tình trạng tranh giành khách, “chặt chém” làm mất đi vẻ thơ mộng. Mình từng chứng kiến một vị khách ăn tô cháo gà mà phải trả 150.000 đồng...” - một du khách bức xúc.
Một cán bộ quản lý chợ Đà Lạt cho biết việc “chặt chém” du khách dẫn đến cãi vã diễn ra thường xuyên tại cầu thang thương xá Latulip. Đại diện Công an phường 1, TP Đà Lạt cũng thừa nhận thỉnh thoảng có những du khách bị “chặt chém” đến trình báo. Đơn vị này đã nhiều lần lập biên bản về việc vi phạm trật tự công cộng, buộc phải cam kết bán đúng giá, không làm mất vệ sinh... nhưng khó xử lý triệt để.
Tổ chức lộn xộn
Chợ đêm Đà Lạt hiện có rất nhiều đơn vị quản lý. Từ cuối năm 2011, UBND TP Đà Lạt giao Công ty Hiệp Thanh Bình quản lý, họ lập dự án quản lý 120 gian hàng nhưng có 52 hộ không hợp tác với công ty và kiến nghị được sự quản lý của phường 1. Khu ẩm thực trước thương xá Latulip (sát cầu thang chợ) lại do Ban Quản lý chợ Đà Lạt thu lệ phí. Chưa kể một số hộ thuê mặt bằng của thương xá rồi lấn ra cầu thang để kinh doanh... khiến nơi này thêm lộn xộn.
Từng là một nét văn hóa riêng của TP Đà Lạt nhưng khi đến với chợ đêm Đà Lạt, nhiều du khách lại thấy na ná giống với chợ đêm ở đâu đó. Cũng là những gian hàng đổ đống đại hạ giá, quần áo, mũ nón, giày dép, băng đĩa ngổn ngang. Chưa kể nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đội lốt hàng Đà Lạt. Ngay cả mặt hàng len từng nổi tiếng với thương hiệu Đà Lạt nhưng giờ đây khách mua không khéo là nhầm áo, mũ len Trung Quốc. Len Đà Lạt đang dần bị mất ưu thế ngay tại nơi “thai nghén” ra nó.
Ngay cạnh khu chợ bày bán hàng lưu niệm là khu đỗ xe của các taxi, xe ôm lẫn trong phố ẩm thực đêm ngay trước cổng chợ đêm Đà Lạt. Gọi là phố ẩm thực nhưng thực tế, người bán - người mua ngồi ngay vỉa hè, lòng đường. Nhiều hàng quán cho người đứng đón, chặn du khách mời mọc gây phản cảm. Ngoài ra, rác, nước thải từ chính những quán ăn này bốc mùi xú uế khó chịu.
Thất vọng!
Bà Ngô Thị Phương Linh, du khách từ TP HCM, cho rằng việc mua bán tràn lan đủ loại ở chợ đêm Đà Lạt gây cản trở giao thông; đồng thời, nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả cũng không thể kiểm soát được. “Tôi đã có dịp tham quan nhiều điểm du lịch, đến nhiều chợ đêm như chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội), chợ đêm Sa Pa (Lào Cai)… Thế nhưng, chợ đêm Đà Lạt đang gây thất vọng cho nhiều du khách bởi cách tổ chức còn lộn xộn, không quy củ, chưa giới thiệu cho du khách những sản vật thể hiện văn hóa địa phương” - bà Linh nhận xét.
Bình luận (0)