Theo đó, ông Phạm Văn Lé (SN 1963), đồng ý nhận 209 triệu đồng; ông Phạm Văn Lến (SN 1975, em ruột ông Lé), đồng ý nhận 208 triệu đồng và bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé), đồng ý nhận 27 triệu đồng. Trước đó, 3 người bị hàm oan này đã có đơn yêu cầu bồi thường tổng cộng 559 triệu đồng.
Ông Lé cho biết, kết thúc buổi làm việc, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng thông báo rằng sau 15 ngày nếu không có bất kỳ khiếu nại nào thì cơ quan này sẽ ra quyết định bồi thường và tiến hành chi trả tiền.
Từ sự kêu oan trước nhiều phiên tòa, ông Lé cùng vợ và em trai mình mới được xác định vô tội
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng dẫn đến oan sai, như sau: Khoảng 0 giờ ngày 3-8-2012, sau khi nhậu say, Lâm Tài Mấu cùng Trần Đức Minh đã đến chửi bới và đập cửa nhà ông Lé nên bị ông này dùng cây đánh. Khoảng 8 phút sau khi bất tỉnh, Mấu đã cùng Minh đi về. Đi được một đoạn, do không thấy Mấu vì trời tối nên Minh ghé sang nhà người thân ngủ. Đến 2 giờ 45 phút cùng ngày, người dân phát hiện Mấu nằm chết ở ven lộ Nam Sông Hậu, cách nhà ông Lé khoảng 1,5 km. Ngày 13-9-2012, ông Lến (bị bệnh tâm thần nhẹ) đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận có chứng kiến việc ông Lé cầm cây đánh vào đầu Mấu. Sau đó, ông Lé bị khởi tố tội “Giết người”, còn ông Lến và bà Thạch Thị Xem, vợ ông Lé, bị khởi tố tội “Không tố giác tội phạm”.
Sau gần 2 năm bị bắt giam và trải qua nhiều phiên tòa nhưng đều hoãn do ông Lé cho rằng mình bị ép cung, dùng nhục hình…, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và VKSND tỉnh lần lượt ra các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam và sau đó ra quyết định đình chỉ vụ án vì xác định 3 người trên không liên quan đến các chết của Lâm Tài Mấu. Đặc biệt, 2 điều tra viên bị ông Lé tố cáo đã dùng nhục hình đối với mình là đại úy Triệu Tuấn Hưng và thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân đã bị VKSND Tối cao bị khởi tố, bắt giam về tội “Dùng nhục hình” trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Vụ án này dẫn đến việc VKSND tỉnh Sóc Trăng phải đứng ra chi trả gần 500 triệu đồng cho 7 thanh niên bị oan sai.
Như vậy, đây là lần thứ 2 liên tiếp, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã đứng ra chịu trách nhiệm thỏa thuận và bồi thường oan sai cho 10 người bị hàm oan trong 2 vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Toàn bộ số tiền gần một tỉ đồng dùng để chi trả oan sai do VKSND Tối cao “rót” xuống.
Nói về nguyên nhân dẫn đến oan sai khi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội vào đầu năm 2015, đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết do lực lượng điều tra sơ suất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án… Ngoài ra, cơ quan này cũng viện lý do là trình độ, năng lực của các điều tra viên không đồng đều, một số điều tra viên mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế; lực lượng điều tra viên còn thiếu, nhất là đối với cấp huyện…. Trong khi đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng do kiểm sát viên thụ lý vụ việc không thực hiện đúng quy chế kiểm sát điều tra đã dẫn đến bắt oan 7 thanh niên trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng. Cơ quan này cũng viện lý do trình độ, năng lực của một số KSV còn hạn chế, chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm. Sau vụ này, ông Phạm Văn Núi, nguyên kiểm sát viên của cơ quan này, bị VKSND Tối cao truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng được cho tại ngoại.
Bình luận (0)