Sau khi TAND tỉnh Sóc Trăng bồi thường cho 7 thanh niên bị hàm oan trong vụ án giết tài xế xe ôm ở huyện Trần Đề, nhiều bạn đọc đã điện thoại đến Báo Người Lao Động nêu thắc mắc về việc số tiền bồi thường là do người gây oan sai chi trả hay nhà nước?
Tạm ứng nhiều, chưa nhận tiền hoàn trả
VKSND tỉnh Sóc Trăng vừa nhận gần 500 triệu đồng từ VKSND Tối cao để tiến hành bồi thường cho 7 thanh niên bị hàm oan trong vụ án giết tài xế xe ôm. Trước đó, tháng 3-2014, TAND huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cũng đã bồi thường gần 185 triệu đồng cho anh Trương Hoàng Hiếu sau hơn 2 năm thụ án oan. Số tiền này do TAND Tối cao chuyển về.
Mới đây, Công an huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã nhận gần 900 triệu đồng từ Bộ Công an để bồi thường oan sai cho ông Lê Quốc Sĩ (ngụ thị xã Ngã Bảy) và Phạm Nhứt Hùng (ngụ huyện Phụng Hiệp) sau 3 tháng bị tạm giam và gần 24 năm mang thân phận bị can về tội “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Trung (61 tuổi, nguyên cán bộ ngành nông nghiệp của TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cũng vừa được VKSND TP Vị Thanh bồi thường oan sai gần 420 triệu đồng từ VKSND Tối cao “rót” xuống. Nói về nghĩa vụ hoàn trả số tiền này, một lãnh đạo VKSND TP Vị Thanh cho rằng do vụ việc xảy ra quá lâu nên khó xác định được những ai là người trực tiếp gây ra oan sai. Hơn nữa, nếu có xác định được thì chưa chắc người đó… còn sống để bồi thường.
Trong năm 2014, TAND, VKSND tỉnh Cà Mau đã phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nhiều vụ án oan sai. Điển hình là vụ bà Nguyễn Ánh Minh (ngụ phường 6, TP Cà Mau), vụ Tô Phương Trọng (ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau), vụ Phạm Chí Nguyễn (ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)... Trong đó, mới có Phạm Chí Nguyễn được VKSND tỉnh Cà Mau bồi thường 64 triệu đồng vào ngày 26-11-2014. Theo VKSND tỉnh Cà Mau, lý do chậm bồi thường là do Bộ Tài Chính, VKSND Tối cao chậm cấp kinh phí.
Kể lại vụ bà Phạm Thị Út (SN 1943, ngụ huyện Hóc Môn) 2 lần bị TAND TP HCM tuyên phạm tội giết người, cướp tài sản (vụ án đốt nhà chiếm đoạt 2 chỉ vàng của một cặp vợ chồng thuê phòng trọ xảy ra vào năm 1993 ở quận Gò Vấp) và được cấp phúc thẩm tuyên vô tội vào năm 2005, một thẩm phán TAND TP HCM (đã nghỉ hưu) cho biết TAND TP đã có buổi làm việc với chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên tham gia vụ án cũng như tất cả thẩm phán tòa hình sự để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau gần 9 năm TAND TP HCM phải bồi thường 323 triệu đồng, đến nay, thẩm phán xét xử vụ này đã nghỉ hưu và vẫn chưa hoàn lại số tiền này cho nhà nước.
Ai làm sai, phải bồi thường
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) năm 2009 và Nghị định 16/2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật TNBTNN. Hai văn bản này quy định cụ thể về trách nhiệm của người thi hành công vụ phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo đó, kinh phí dùng để chi trả cho người bị thiệt hại nếu do người thi hành công vụ của cơ quan ở trung ương gây ra thì lấy từ ngân sách trung ương, ở địa phương thì lấy ngân sách địa phương. Sau đó, căn cứ vào mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ, cơ quan có thẩm quyền ấn định một khoản tiền nhất định để người này hoàn trả. Trường hợp việc gây thiệt hại do nhiều người thi hành công vụ gây ra thì những người này có trách nhiệm liên đới trong việc hoàn trả. Việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần, tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, từ khi Luật TNBTNN có hiệu lực đến nay, chưa có thống kê nào từ cơ quan chức năng cho thấy những khoản tiền được người thi hành công vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước. Việc người dân đòi hỏi công khai, minh bạch vấn đề này là hoàn toàn chính đáng. Không thể lấy tiền ngân sách - thực chất là tiền đóng thuế của dân - để bồi thường cho những hành vi trái pháp luật do người thi hành công vụ gây ra.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau) cho rằng thực tế rất khó xác định rõ ràng việc cố ý gây oan sai hay vì lý do khách quan dẫn đến oan sai. Do vậy, các chế tài như kỷ luật, giáng chức, cắt thi đua khen thưởng… luôn hiệu quả và dễ áp dụng hơn là việc bắt người gây ra oan sai phải có nghĩa vụ hoàn trả tiền bồi thường.
Thương lượng bồi thường cho ông Trương Bá Nhàn
Ngày 15-1, VKSND TP HCM tiếp tục thương lượng với ông Trương Bá Nhàn (SN 1962) xung quanh vấn đề bồi thường oan sai.
Theo nội dung làm việc, Ban Chỉ đạo thực hiện Luật TNBTNN chấp nhận bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần cho ông Nhàn với tổng số tiền 225,2 triệu đồng. Riêng số tiền bồi thường thu nhập thực tế bị mất sẽ được tính theo mức lương tối thiểu (1.150.000 đồng). Trước đó, ông Nhàn yêu cầu bồi thường gần 948 triệu đồng.
Như Báo Người Lao Động nhiều lần thông tin, ông Nhàn bị truy tố chỉ vì có dấu vân tay để lại hiện trường của một vụ án giết người vào năm 2001. Năm 2006, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn. Năm 2013, Cục Bồi thường Nhà nước trả lời trường hợp ông Nhàn được bồi thường theo Nghị quyết 388, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là VKSND TP HCM.
V.Thư
Bình luận (0)