Kết quả thống kê 5 năm 2017 - 2021 tại TP HCM cho thấy tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục vẫn xảy ra và diễn biến theo chiều hướng phức tạp, số vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững.
Nguy cơ đến từ người thân
Năm 2017, trên địa bàn TP HCM có 47 vụ xâm hại trẻ em, năm 2019 còn 25 vụ nhưng năm 2020 tăng lên 40 vụ, năm 2021 còn 28 vụ. Trong đó, hình thức xâm hại tình dục chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là đánh đập, chửi bới; độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, phần lớn là trẻ em gái. Đó là thực trạng mà đại diện nhóm tác giả nghiên cứu về hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay tại TP HCM, TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, đã khái quát tại hội thảo khoa học "Bảo vệ quyền trẻ em - Thực trạng và giải pháp" do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM vừa phối hợp tổ chức.
Báo cáo năm 2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã chỉ ra các đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục là họ hàng, người thân trong gia đình. Vì mặc cảm, cả nể nên gia đình, nạn nhân thường che giấu, không tố giác vụ việc; có nạn nhân biết rõ nếu đi giám định pháp y, có kết quả dẫn đến đối tượng là người nạn nhân có tình cảm bị bắt giữ nên không đi giám định; các nạn nhân là trẻ nhỏ tuổi không nhận biết được sự việc xảy ra, không nhớ thời gian, địa điểm nên không cung cấp được chính xác nội dung vụ việc. Mặt khác, do nạn nhân còn bị ám ảnh tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục, gia đình không cho tiếp xúc, đối chất hoặc đưa đi nơi khác sinh sống…
TS Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh để hệ thống bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP HCM hoạt động hiệu quả cần bộ máy nhân sự có tính hệ thống, chuyên môn hóa cao. Bộ máy nhân sự làm công tác trẻ em tại TP HCM được bố trí 3 cấp, trong đó cấp cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế nhân sự cơ sở tại TP HCM không ổn định, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên công tác này chưa hiệu quả, chưa có chiều sâu.
Phiên tòa xét xử vụ bạo hành bé gái 8 tuổi đến chết. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phòng ngừa sớm
Đồng tình với nhận định này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kỳ vọng TP HCM sẽ ưu tiên phát triển 2 hệ thống cán bộ cấp cơ sở giữ vai trò quyết định đối với công tác trẻ em, như khoản 3 điều 7 Luật Trẻ em cũng đã nêu - cần ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu phố…
Bày tỏ nỗi đau trước vụ việc bé gái 8 tuổi tại quận Bình Thạnh, TP HCM bị bạo hành đến tử vong, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh cần tăng cường phòng ngừa, phòng chống xâm hại trẻ em để phát hiện, phòng ngừa sớm. Để phòng ngừa hiệu quả hơn, cần có hệ thống dịch vụ công tác xã hội bảo vệ trẻ em kết hợp công và tư.
Trong khi đó, bà Emi Losing, đại diện Tổ chức Taiwan Fund For Children And Families (TFCF), cho rằng các hình thức bạo lực (thể chất, tinh thần hoặc tình dục), bóc lột và lạm dụng nhắm đến trẻ em thường rất tinh vi. Vấn nạn này xảy ra ở mọi quốc gia, kể cả ở những môi trường trẻ em mặc định được bảo vệ tốt nhất như gia đình, trường học, mạng trực tuyến.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hơn 35 năm của TFCF trong công tác bảo vệ trẻ em tại Đài Loan - Trung Quốc, bà Emi Losing chỉ ra những liên kết chặt chẽ, hiệu quả tại cộng đồng, các chương trình giáo dục chính quy và phi chính quy dành cho phụ huynh cũng như các nghiên cứu về góc nhìn trẻ em, thanh niên là những khuyến nghị quan trọng để tạo nên chính sách bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Lắp camera giám sát
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - nhận định để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em, cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Đây cũng sẽ là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý nếu có vụ việc bạo lực, xâm hại xảy ra.
Bình luận (0)