Chị H.Đ.T (SN 1985) kết hôn với anh T.V.C (SN 1981) từ năm 2013. Một năm sau, chị T. sinh con gái. Cuộc sống gia đình không mấy thuận hòa vì tính hà khắc, gia trưởng của người chồng. Không chịu nổi cuộc sống ngột ngạt, chị T. đệ đơn ly hôn khi con gái chưa tròn 3 tuổi.
Giành con
Là nguyên đơn trong vụ kiện "Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con", chị T. quyết tâm giành lại quyền nuôi con từ chồng cũ.
Trước khi vào phòng xử án, chị T. bộc bạch ngày ly hôn, chị luôn lo sợ anh C. làm ra chuyện quá khích, gây bất lợi đến gia đình chị nên buộc lòng từ bỏ quyền nuôi con. "Anh ấy rất gia trưởng, cộc cằn nên dù tôi có nuôi con thì chắc chắn anh ấy vẫn sẽ tìm mọi cách phá hoại, không cho gia đình tôi sống yên. Lúc đó, tôi không còn cách nào khác!" - chị T. phân trần.
Theo thỏa thuận, người mẹ đón con vào 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, anh C. chỉ tuân thủ cam kết ấy trong vài năm. Sau đó, mỗi lần chị T. sang đón con, anh T. tìm đủ lý do ngăn cản mẹ con chị gặp mặt. Có lần, chị T. phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp mới có thể thuận lợi đón con sang nhà mình.
Người mẹ chắt chiu mỗi khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên con nhưng càng về sau, chị càng ngỡ ngàng khi thấy con gái tỏ vẻ xa lánh, không muốn mẹ đến thăm. Chị nghi ngờ cách dạy dỗ từ gia đình chồng cũ chính là nguyên nhân tác động lên tâm lý trẻ. Không ngờ sau đó, anh C. còn nộp đơn ra tòa, yêu cầu hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc con của chị.
Những lần cãi nhau liên quan đến con, có sự can thiệp hòa giải từ đoàn thể địa phương nhưng đều không đi đến đâu. Không còn cách nào, chị T. chọn giải pháp gõ cửa tòa án một lần nữa.
Phiên tòa sóng gió
Suốt phiên tòa, nguyên đơn không ngừng khóc lóc, cầu xin. Chị T. hiểu rõ bản thân không đủ điều kiện kinh tế như chồng cũ. Trong khi đó là điều kiện quan trọng trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con.
Trái lại, bị đơn quả quyết dù hôn nhân đổ vỡ nhưng anh hết lòng tạo điều kiện giúp chị T. thoải mái thăm con, đưa con về chơi bên ngoại. Anh C. trần tình: "Tôi không hiểu tại sao con cứ khóc, không muốn theo mẹ. Tôi xin thề trước HĐXX, tôi không hề cấm cản hai mẹ con gặp nhau. Vì con biểu hiện không thích bên cạnh mẹ nên tôi ngần ngại rồi không muốn con sang nhà ngoại nữa".
Bị đơn xác nhận anh mới tái hôn và hay công tác xa nhà. Dù thế, anh chưa bao giờ lơ là nhiệm vụ làm cha, luôn quan tâm, chăm sóc con gái của anh với chị T. Biết con thiếu thốn tình cảm, anh càng muốn bù đắp nhiều hơn.
Đến đây, phòng xử án không còn yên ắng khi bất ngờ bị đơn lớn giọng tố cáo vợ cũ nhiều lần có lời nói, cử chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến con gái. Cụ thể, chị T. không trao đổi chuyện học thêm mà tự ý quyết định cho con học thêm tràn lan. Không ít lần, chị T. rủ thêm nhiều người đến nơi gia đình anh sinh sống, gây chuyện ồn ào cả khu dân cư.
Bật khóc nức nở, nguyên đơn không ngần ngại chỉ trích chồng cũ mải vui với gia đình mới mà quên bảo ban, dạy dỗ con gái. Chị cũng không ngại nhắc lại những chuyện đã qua, đó là những lần cãi nhau, anh C. đánh đập, bộc lộ tính nết thô lỗ, gia trưởng. "Thử hỏi, một người cứ động tí là "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", chửi bới vợ như vậy thì làm sao nuôi dạy con đàng hoàng? Ngày đó, tôi bất đắc dĩ lắm mới giao con về tay anh. Bây giờ khác rồi, tôi nhất định mang con bé về nuôi" - nguyên đơn hét lớn.
Đáp trả, bị đơn gằn giọng: "Tôi thách cô đến bắt con đó!".
Phiên tòa không thể tiếp tục vì hai bên không kiềm chế cảm xúc. Tưởng chừng nếu không có hội đồng xét xử ở đó, có lẽ họ sẽ lao vào đánh nhau. Chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa với lý do cần xác minh một số thông tin hai bên cung cấp.
Vừa bước ra khỏi phòng xử, chị T. rảo bước nhanh ra cổng tòa như sợ chồng cũ đuổi theo, gây hấn. Quả thật, anh C. dắt xe máy đuổi theo ra cổng, buông lời cảnh cáo vợ cũ: "Nếu tôi mất con, nhà cô đừng mong sống yên!".
Chưa biết cơ quan xét xử phán quyết ra sao nhưng cuộc chiến tranh giành quyền nuôi giữa họ khó kết thúc trong hòa hảo, kể cả khi đã có bản án của tòa. Chỉ thương đứa con, kết tinh tình yêu của họ bỗng chốc là nguyên nhân khiến cha mẹ lao vào cuộc chiến, xem nhau như kẻ thù, bất chấp những tổn thương, mất mát của con trẻ.
Quyền, nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn
Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: Cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ Luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Bình luận (0)