Vợ chồng chị T.T.C (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) liêu xiêu dìu nhau đi ra từ phòng xử án. Anh chị đến tòa với tư cách đại diện bị hại tại phiên xét xử kẻ nhiều lần xâm hại tình dục con gái mới 12 tuổi của anh chị. Trớ trêu thay, bị cáo L.M.H (SN 1983) là em rể trong gia đình.
Khổ tâm
Sau phần xét hỏi, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP HCM thông báo tạm dừng phiên tòa. Cánh cửa phòng xử đã khép lại, vợ chồng chị C. vẫn ngồi thất thần hồi lâu trên dãy ghế đối diện phòng xử án.
Tháng 4-2019, chị C. khiếp sợ khi phát hiện em rể giở trò đồi bại với con gái chị. Càng kinh hoàng hơn khi chị biết con gái chịu đựng nỗi đau bị xâm hại ròng rã 3 năm.
Nhắc đến chuyện đau lòng, người mẹ nghẹn ngào: "Từ khi chuyện xảy ra, con tôi thay đổi nhiều lắm. Thậm chí, cháu không nói chuyện với ba mẹ, cứ ru rú trong phòng". Nhìn con như vậy, vợ chồng chị C. chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Tình anh em giữa chồng chị với em gái (vợ bị cáo H.) bỗng chốc không tìm ra lối thoát. Không chịu nổi cú sốc, chồng chị đau ốm liên miên, tinh thần tuột dốc. Trong hoàn cảnh bế tắc, chị C. trở thành điểm tựa cho chồng, cho con.
Hai năm trôi qua, kẻ gây tội chưa bị trừng trị, đồng nghĩa nỗi đau của gia đình anh chị C. gánh chịu vẫn còn nguyên đó. Cứ mỗi lần đến chốn công đường, nghe đọc lại cáo trạng, vết thương chưa kịp khép miệng lại mưng mủ, đau thấu ruột gan. Vợ chồng chị C. nói chỉ cầu mong vụ án sớm kết thúc để gia đình chị sớm vượt qua nỗi đau.
Minh họa: KHỀU
Không biết mình là nạn nhân
Xử sơ thẩm mới đây, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo C.V.H (SN 1981) 13 năm 6 tháng tù về 2 tội: "Giết người", "Hiếp dâm". Vụ án khiến nhiều người chú ý vì HĐXX từng trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định tâm thần cả bị cáo lẫn bị hại.
Năm 2018, sau khi uống rượu say, H. lẻn vào nhà chị N.T.T (huyện Bình Chánh, TP HCM) toan hiếp dâm chị. Nạn nhân chống trả quyết liệt, H. cầm dao đâm nhiều nhát lên người nạn nhân, gây tỉ lệ thương tật 13%.
Ra tòa lần thứ nhất, cả bị cáo lẫn bị hại luôn tỏ ra ngơ ngác, không biết cách trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa đưa ra. Nghi ngờ năng lực nhận thức của cả hai có vấn đề, HĐXX thống nhất yêu cầu trưng cầu giám định tâm thần.
Mọi người ra về hết, chỉ có bị hại cứ đứng yên mãi, không muốn về. Thấy thế, chủ tọa phiên tòa dặn gia đình lưu tâm chăm sóc sức khỏe, hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng đưa nạn nhân T. đi giám định tâm thần. Kết quả giám định cho thấy bị cáo C.V.H, bị hại N.T.T đều hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Ở phiên xét xử lần thứ hai, bị hại vẫn "hồn nhiên" như mọi chuyện đang diễn ra không liên quan đến mình. Sau khi nghe người thừa hành quyền công tố đọc cáo trạng, bị cáo H. thú nhận mọi hành vi phạm tội. Về lý do gây án, bị cáo trần tình: "Bị cáo muốn cưới T. làm vợ nhưng nhiều người ngăn cản. Bị cáo nghĩ làm T. có bầu thì có thể dễ dàng làm đám cưới".
Người giám hộ xác nhận bị hại T. có biểu hiện chậm phát triển từ nhỏ nhưng có thể tự sinh hoạt, làm việc nhà. Xảy ra sự việc, cha mẹ chị T. cảm thấy áy náy, đau xót khi không luôn ở bên bảo vệ con, để con chịu tổn thương.
Như lần ra tòa trước đó, bị hại T. không ít lần… cười với HĐXX. Câu nói duy nhất chị có thể nói khi nghe người khác hỏi về vụ việc là: "Không cho vào nhà". Nhìn con, cha mẹ chị T. chỉ biết thở dài.
Nguyên tắc lấy lời khai trẻ bị xâm hại
Từ tháng 6-2021, Thông tư 43/2021/TT-BCA do Bộ Công an ban hành quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi, chính thức có hiệu lực.
Thông tư yêu cầu khi tiến hành lấy lời khai bị hại, điều tra viên, cán bộ điều tra phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Căn cứ nhiều yếu tố (tính cách, tâm lý...), cơ quan chức năng áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai...
Bình luận (0)