Theo đó, kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM đã chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng của TAND 2 cấp, chưa đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội và đặc điểm nhân thân của bị cáo tố thư ký tòa chạy án. Nhiều chuyên gia luật đánh giá kháng nghị có căn cứ, mang tính nhân văn sâu sắc.
Cụ thể, ngày 30-9, VKSND Cấp cao tại TP HCM (Viện phúc thẩm 3) đã ký kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND TP HCM và bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980, ngụ quận Tân Bình, TP HCM).
VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án nêu trên và hủy Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-TA ngày 10-8-2016 của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với Mai Khải Hoàn (em trai Vân) để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, Viện phúc thẩm 3 nhận định việc khởi tố ông Mai Khải Hoàn tại tòa là khởi tố vụ án hai lần đối với một sự việc phạm tội, vi phạm Điều 13 BLTTHS năm 2003. Theo đó, ngày 11-11-2014, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích cho gia đình ông Trịnh Quang Hân nhưng ngày 10-8-2016, HĐXX phúc thẩm TAND TP HCM lại tiếp tục khởi tố vụ án là vi phạm tố tụng.
Về trách nhiệm hình sự, ngày 1-6-2013, Vân giật mắt kính, nắm cổ áo xô ông Hân nhưng hành vi này không gây thương tích cho ông Hân nên không cấu thành tội phạm. Đối với Trịnh Quốc Việt, Vân có dùng răng cắn vào tay phải gây thương tích 2% nhưng hành vi này là do Việt dùng tay kẹp cổ bị cáo, không thuộc trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS nên không cấu thành tội phạm.
Kết luận giám định pháp y cho thấy Việt bị thương 2% nhưng tòa cấp sơ và phúc thẩm kết luận bị cáo Vân gây thương tích cho bị hại Việt tại vùng lưng tỷ lệ thương tật 4% là không phù hợp kết quả giám định pháp y.
Đối với bị hại Trịnh Quang Trung, lời khai của Trung phù hợp với tài liệu điều tra ban đầu xác định Trung không bị vết thương tại vùng lưng, phù hợp với lời khai của bị cáo Vân khẳng định không có đánh Trung tại vùng lưng. Như vậy, chưa có chứng cứ kết luận bị cáo Vân gây ra 3 vết thương ở vùng lưng của bị hại Trung 6% nhưng Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo Vân gây thương tích cho bị hại Trung 13 %, từ đó áp dụng khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 để xét xử bị cáo là phiến diện, không có căn cứ, không phù hợp với chứng cứ khách quan của vụ án.
Các con của bị cáo Vân học rất giỏi được địa phương xác nhận
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngay sau khi xảy ra sự việc, tại buổi hòa giải lúc 15 giờ ngày 03-6-2014 do Công an phường 2 (quận Tân Bình) tổ chức, bị cáo Vân đã xin bồi thường chi phí điều trị và xin lỗi gia đình Trung nhưng phía bị hại không đồng ý và yêu cầu xử lý Vân theo pháp luật, chứng tỏ bị cáo Vân đã ăn năn hối cải. Trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Vân khai nhận toàn bộ hành vi gây thương tích đối với bị hại Việt, tuy chỉ thừa nhận có hành vi đánh trúng vào trán bị hại Trung nhưng đã cho thấy bị cáo khai tương đối đầy đủ hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Tòa án phúc thẩm nhận định bị cáo không thành khẩn khai báo, từ đó không áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 khi xét xử bị cáo là thiếu khách quan.
Ngoài ra, trường hợp nếu có căn cứ xác định bị cáo phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 thì Tòa án cấp phúc thẩm phải vận dụng tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại các Nghị quyết số 109/2015/QH13, số 144/2016/QH13 để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tòa án cấp phúc thẩm không vận dụng quy định và hướng dẫn trên khi xét xử bị cáo là áp dụng không đúng pháp luật hình sự, gây bất lợi cho bị cáo.
Tòa án 2 cấp vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Ngoài hành vi phạm tội của Mai Thị Ngọc Vân, kết quả điều tra và xét hỏi công khai tại các phiên tòa đã xác định Mai Khải Hoàn có hành vi cầm tấm ván gỗ đánh vào sau gáy ông Hân. Khi ông Hân ngã xuống đất bị ngất, Hoàn tiếp tục dùng chân đạp nhiều cái vào người ông Hân gây thương tích tại vùng đầu, gãy cung xương sườn 6, tỷ lệ thương tật 04%. Hành vi của Mai Khải Hoàn có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a và i khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999.
Ông Trịnh Quang Hân đã có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Hoàn nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không khởi tố, điều tra xử lý Hoàn theo quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 là bỏ lọt người phạm tội.
Về trách nhiệm dân sự, quá trình điều tra và tại phiên tòa những người bị hại Trịnh Quang Trung và Trịnh Ọuốc Việt yêu cầu bị cáo bồi thường chi phí viện phí, điều trị, giám định, thu nhập thực tế bị mất do không đi làm một tháng, tổn thất tinh thần và mất sức khỏe.
Hồ sơ vụ án không có tài liệu điều tra về mức thu nhập thực tế của bị hại, thời gian bị hại phải nghỉ làm việc để điều trị thương tích, bị hại có bị tổn thất về tinh thần hay không và mức độ tổn thất về tinh thần như thế nào nhưng Tòa án hai cấp đã buộc bị cáo Vân phải bồi thường cho người bị hại Trịnh Quang Trung số tiền thu nhập thực tế bị mất do không đi làm một tháng 3.100.000 đồng, tổn thất tinh thần và mất sức khỏe 18.600.000 đồng; bồi thường cho người bị hại Trịnh Ọuốc Việt số tiền thu nhập thực tế bị mất do không đi làm một tháng 3.100.000 đồng, tổn thất tinh thần và mất sức khỏe 12.400.000 đồng là không có căn cứ,
Do việc điều tra của cấp sơ thẩm không đầy đủ, bỏ lọt người phạm tội; việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự về khởi tố vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm không đúng quy định; bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình và bản án phúc thẩm của TAND TP HCM xét xử bị cáo Mai Thị Ngọc Vân đã có kết luận không phù hợp với những tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự và dân sự dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, xử phạt mức án 4 năm tù là chưa đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội và đặc điểm nhân thân của bị cáo, đồng thời buộc bồi thường dân sự không có căn cứ pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, do có mâu thuẫn nên Vân đã dùng cây gỗ gây thương tích cho gia đình ông Trịnh Quang Hân. TAND quận Tân Bình xử phạt Vân 9 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích". Vân kháng cáo và bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt.
Trong quá trình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Trần Thị Nhung (thư ký Tòa hình sự) đã gợi ý chạy án 120 triệu đồng. Sau nhiều lần thỏa thuận, hai bên chốt giá là 85 triệu đồng và Nhung cho Vân số điện thoại chồng mình để giao tiền. Nhận thấy việc chạy án là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật và không thể thông đồng với công chức tha hóa nên Vân làm đơn tố cáo. Ngày 14-7 khi chồng Nhung là Phạm Văn Khang đang nhận 85 triệu đồng thì bị bắt.
Xử phúc thẩm ngày 10-8, TAND TP HCM sửa án sơ thẩm, tăng hình phạt lên 4 năm tù giam mặc dù VKSND cùng cấp đề nghị hủy án do vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Trả lời Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Ngọc Ánh-Phó Chánh án TAND TP HCM khẳng định không có chuyện TAND TP HCM trả thù bị cáo.
Bình luận (0)