Ngày 7-1, sau 24 ngày xét xử và nghị án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên án vụ Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm gây thiệt hại gần 4.000 tỉ đồng tại VietinBank chi nhánh TP HCM.
Theo đó, không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị của VKSND TP HCM, y án sơ thẩm đối với 7 bị cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm đối với 12 bị cáo.
Huỳnh Thị Huyền Như sẽ bị điều tra tội tham ô
Hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đối với Huỳnh Thị Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị, giao hồ sơ cho VKSND Tối cao phối hợp với CQĐT điều tra lại.
Hủy một phần bản án sơ thẩm đối với Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) tội lừa đảo Công ty Hưng Yên.
Xử phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức cá nhân; 6 năm tù tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Buộc Huyền Như và Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty Hoàng Khải) liên đới bồi thường 50 tỉ đồng cho ACB,
Sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc nhóm các bị cáo cho vay nặng lãi nộp lại số tiền thu lợi bất chính: Phạm Văn Trí nộp 23,8 tỉ đồng, Nguyễn Thị Lành nộp 9.026 tỉ đồng, Hùng Mỹ Phương nộp 218 tỉ đồng, Nguyễn Thiên Lý nộp 1.296 tỉ đồng; Đào Thị Tuyết Dung 440 tỉ đồng.
Hủy một phần bản án sơ thẩm đã tuyên buộc Huyền Như bồi thường cho 5 đơn vị Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Phương Đông, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, SBBS.
Ghi nhận Nguyễn Thị Lành nộp 15 tỉ đồng; buộc VietinBank trả 24 tỉ đồng trong 19 tài khoản để hoàn trả cho ACB, số tiền này trừ số tiền Như phải trả cho ACB.
Tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản, bất động sản để đảm bảo việc thi hành án đối với Huyền Như, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Võ Anh Tuấn và Phạm Anh Tuấn.
Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tịch thu sung quỹ nhà nước đối với nhiều vật chứng đã thu giữ.
Giữ nguyên kiến nghị của tòa sơ thẩm yêu cầu điều tra 8 đối tượng, kiến nghị cơ quan công an điều tra bổ sung đối với Tố Quyên, kiến nghị VKSND Tối cao khởi tố với Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (Phó Giám đốc VietinBank TP HCM) đã để Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Giữ nguyên kiến nghị điều tra bà Vũ Hồng Hạnh (lãnh đạo Công ty CP Chứng khoán Phương Đông); kiến nghị khởi tố một số đối tượng cho vay lãi nặng gấp 10 lần nhưng chưa bị điều tra; kiến nghị Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an làm rõ vì sao để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài ở VietinBank; kiến nghị điều tra, làm rõ việc NaviBank ủy thác cho nhân viên gởi tiền ở VietinBank.
Kết quả điều tra lại, nếu có căn cứ khép tội tham ô tài sản đối với Huyền Như thì cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của nhiều cá nhân ở VietinBank.
HĐXX đã bác kháng cáo của ACB và NaviBank cho rằng họ là nguyên đơn dân sự còn VietinBank là bị đơn dân sự nên VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại mà Huyền Như gây ra. Tuy nhiên, HĐXX nhận định lãnh đạo hai ngân hàng này đã thực hiện hành vi trái pháp luật là ủy thác cho nhân viên rút tiền ngân hàng mình đi gửi ngân hàng khác để lấy lãi. Do vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ACB và NaviBank
Chấp nhận kháng cáo của 5 đơn vị gồm: Công ty Hưng Yên, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, SBBC, Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc yêu cầu VietinBank bồi thường 1.085 tỉ đồng vì hợp đồng tiền gởi của họ là hợp đồng hợp pháp, hợp lệ và Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền của 5 đơn vị này.
HĐXX nhận định VietinBank đã để nhân viên chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 đơn vị nên phải có trách nhiệm bồi thường. Trong vụ án này, 5 đơn vị chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng án sơ thẩm tuyên buộc Như tội lừa đảo và có trách nhiệm bồi thường là chưa đúng, sai bản chất vụ việc dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng.
Bình luận (0)