Ngày 27-3, chúng tôi đến huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, người dân cho biết các “đội hình” khai thác cát đang rầm rộ, không phao phân luồng, không biển báo ranh giới, thò vòi hút cát khắp các sông.
Đền bù đất để… hút cát
Theo người dân, doanh nghiệp (DN) được thế lực nào đó đứng sau, cậy có tiền nên sẵn sàng “đền bù” đất rồi ngang nhiên vơ vét tài nguyên. Điều tra của chúng tôi cho thấy chỉ riêng xã Quảng Ngãi đã có hàng chục hộ dân nhận đền bù đất với số tiền hàng trăm triệu đồng của DN X.H - một trong những đơn vị được cấp phép khai thác cát tại khu vực. Dọc bờ sông, các hộ dân bị sạt lở vào quá điểm cảnh giới, ảnh hưởng đất vườn, được bồi thường 15 triệu đồng/sào. Những hộ dân bị mất đất vườn, “ăn” vào sổ đỏ thì được bồi thường 40 triệu đồng/sào. “Nông dân không bao giờ muốn bán đất, nhất là với giá rẻ mạt. Chúng tôi đau lòng khi nhận tiền đền bù nhưng không biết làm gì hơn. Trong khi DN cậy mình đã đền bù nên càng ngang nhiên khoét sông, vơ vét tài nguyên, tàn phá môi trường” - bà Nguyễn Thị T., ngụ xã Quảng Ngãi, bức xúc.
Ở tỉnh Lâm Đồng, tình trạng “cát tặc” gây cảnh tan hoang không chỉ diễn ra trên sông Đồng Nai mà còn ở nhiều sông khác như Đa Nhim, Đạ Dâng, Krông Nô. Đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh này còn có tới 32 dự án khai thác cát được cấp phép. Trong khi đó, vùng giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, bên Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, phía tỉnh Lâm Đồng có 14 dự án, địa phận tỉnh Đồng Nai có 3 dự án được cấp phép khai thác. Báo cáo của Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên cho thấy trên đoạn sông hơn 90 km bao quanh một phần diện tích vườn, cũng là ranh giới tự nhiên giữa 4 tỉnh, hiện có 8 dự án khai thác cát được cấp phép. Sau thời gian dài hoạt động, các dự án này đã làm ảnh hưởng nặng đến VQG Cát Tiên, gây sạt lở nghiêm trọng ở gần 60 khu vực, mỗi khu vực lở kéo dài hàng trăm mét, số diện tích đất trôi tuột lên đến hàng chục ngàn m2.
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết thời gian qua, lực lượng kiểm lâm của vườn phối hợp với các huyện xử phạt nhiều trường hợp vi phạm và ngang nhiên hút cát nhưng tình hình không kiểm soát được.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, đơn vị vừa cho ngưng 4 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn. Đây là 4 dự án trong hàng loạt dự án nạo vét do tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT cấp phép phía hạ nguồn sông Đồng Nai. Các dự án buộc phải ngừng gồm: Dự án nạo vét thông luồng thủy nội suối Thái Thiện - sông Thị Vải của Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng; dự án nạo vét thông luồng khu vực sông Giữa - rạch Ông Trung của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành; dự án nạo vét, thanh thải luồng sông Buông - Bến Gỗ của Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai và dự án nạo vét thông luồng sông Đồng Kho - rạch Ông Trung của DNTN Nhân Thiện Hòa.
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết ngoài 4 dự án vừa bị yêu cầu ngưng hoạt động, còn 6 dự án khác do tỉnh cấp phép kéo dài đến các năm 2019, 2031 (chưa kể các dự án do Bộ GTVT cấp phép) gồm: các dự án ở khu vực huyện Tân Phú do HTX Phú Thịnh, HTX Phú Xuân và Công ty Công trình giao thông Đồng Nai khai thác; dự án ở huyện Vĩnh Cửu do Công ty Đồng Tân khai thác. Đáng nói, Công ty Công trình giao thông Đồng Nai được cấp phép từ năm 2013, chính là một trong những đơn vị khai thác cát gần khu vực VQG Cát Tiên, qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho thấy có nhiều vi phạm như không tuân thủ đúng thiết kế mỏ khai thác, không thực hiện đúng như báo cáo tác động môi trường… “Cát là tài nguyên siêu lợi nhuận, hiện khoảng 150.000 đồng/m3, mỗi tàu hút hàng ngàn m3/ngày. Lợi nhuận lớn như vậy nên không loại trừ có các nhóm lợi ích dùng đủ mánh khóe để khai thác cát” - một cán bộ hoạt động trong ngành bảo vệ môi trường phân tích.
Có “bùa hộ mệnh”
Những ngày giữa tháng 3-2017, chúng tôi có mặt tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Dọc theo các con suối lớn thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Nâm Mô có nhiều thuyền đang hút cát trái phép. Ở bên đường Tà Cạ - Mường Típ, đoạn qua bản Cánh, có 2 bãi tập kết cát lớn. Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ khoảng 15 phút lại có một ô tô vào vận chuyển cát từ bãi tập kết này. Anh Vừ Vả Ch., ngụ xã Tà Cạ, bất bình: “Họ khai thác cát ở khu vực lòng hồ thủy điện nhiều tháng nay rồi. Ngày nào cũng có xe tải chạy vào lấy cát đem đi bán khiến đường trong bản bị hư hỏng, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Vừ Vả Chá, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, cho biết: “Việc hút cát đã diễn ra được khoảng 18 tháng nay, họ có văn bản của huyện cho, xã không hay biết”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, khẳng định trên địa bàn chưa có đơn vị nào được tỉnh cấp phép khai thác cát. “Huyện sẽ chỉ đạo các phòng chức năng liên quan kiểm tra và xử lý điểm khai thác cát này” - ông Hoàng khẳng định.
Rời Kỳ Sơn, xuôi theo Quốc lộ 7A đến huyện Tương Dương, tại đoạn sông Lam chảy qua xã Thạch Giám, chúng tôi phát hiện nhiều tàu đang hút cát ngay sát quốc lộ. Bên đường là một bãi tập kết cát lớn, xe tải ra vào liên tục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là khu vực khai thác, tập kết cát của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Vinh. Tháng 9-2016, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản cho phép Ban Quản lý dự án thủy điện Khe Bố được khai thác cát, sạn trong thời gian 1 năm, khối lượng là 7.000 m3 để phục vụ các công trình trong khu vực lòng hồ, công trình tái định cư thủy điện Khe Bố. Sau đó, Ban Quản lý dự án thủy điện Khe Bố đã ký hợp đồng ủy quyền khai thác cát, sạn khu vực nói trên cho Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Vinh. DN này đã huy động nhiều tàu hút cát suốt ngày đêm, lập hàng loạt bến bãi tập kết, tổ chức bán cát cho nhiều đơn vị xây dựng trên địa bàn các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (ngoài khu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố) với giá 150.000 đồng/m3.
Ông Phan Thế Chuyền, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Khe Bố, thừa nhận trong văn bản ủy quyền khai thác, đơn vị chỉ cho phép Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Vinh khai thác, bán cho thủy điện với giá 80.000 đồng/m3 để xây dựng các công trình tái định cư, không được bán ra ngoài. “Tuy nhiên, thực tế rất khó giám sát khối lượng và việc tiêu thụ cát của đơn vị này” - ông Chuyền thừa nhận.
Tổng rà soát
Ngày 28-3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp với các sở - ban - ngành và địa phương liên quan để nghe báo cáo về tình hình khai thác cát trên địa bàn. Đại tá Nguyễn Đình Ngà, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết trong hơn 1 năm nay, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng phát hiện, bắt giữ 84 vụ khai thác cát trái phép, tịch thu 37 phương tiện, triệt phá 2 băng nhóm trộm cát chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không xử lý được triệt để do chế tài ít, hệ thống bến bãi không phép tồn tại tràn lan.
Theo ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã ra quyết định tạm ngưng tất cả dự án nạo vét thông luồng, khai thác cát trên toàn lưu vực để tổng rà soát lại hiện trạng.
Không thể xử lý triệt để
Tại Nghệ An, tình trạng khai thác cát tràn lan còn diễn ra ở nhiều huyện như: Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Con Cuông...
Ông Nguyễn Văn Đạt - ngụ xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn - bức xúc: “Tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở diễn ra hàng chục năm nay, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng chỉ thấy các cơ quan chức năng đến rồi lại đi chứ không làm được gì cả”. Ông Hoàng Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh, cho biết: “Xã đã nhiều lần báo cáo lên huyện nhưng không xử lý triệt để được”.
Khu vực hạ lưu sông Lam, đoạn chảy qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, cũng xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép khiến nhiều nơi bờ sông ăn sâu vào đất sản xuất của người dân từ 5-10 m mỗi năm. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, lo lắng: “Việc khai thác cát khiến sông Lam thay đổi dòng chảy, gây ra tình trạng sạt lở ở 10 xã trên địa bàn huyện. Nếu không xử lý kịp thời thì chỉ một vài năm nữa, đất sản xuất nông nghiệp của người dân sẽ bị mất hết”.
Bình luận (0)