Mới đây, tòa án giải quyết một vụ kiện giữa bà H.T.H.H (nguyên đơn) và chủ tịch UBND quận 2 (bị đơn), TP HCM. Bà H. khởi kiện yêu cầu hủy một quyết định do chủ tịch UBND quận 2 ký với nội dung phúc đáp đơn khiếu nại của bà liên quan đến 6 m2 đất (gọi tắt: QĐ 38). Ngoài việc xử mà không có mặt nguyên đơn lẫn bị đơn, tòa còn có khó khăn trong việc xác minh chứng cứ. "Phía bị kiện là chủ tịch UBND quận 2 không hề giao nộp bất kỳ chứng cứ nào. Chứng cứ trong vụ kiện đều do tòa tự thu thập" - chủ tọa phiên tòa xét xử vụ kiện phàn nàn.
Sửa sai, càng thêm sai
Tại tòa, đại diện nguyên đơn trình bày 6 m2 đất vốn là lối đi chung giữa nhà bà H. và nhà ông Đ.T.T. Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), UBND quận 2 chấp nhận phần đất này thuộc quyền sở hữu của gia đình ông T. Vì vậy, nhà bà H. mất lối đi duy nhất. Không chấp nhận quyết định kỳ lạ đó, bà H. khiếu nại.
Năm 2017, chủ tịch UBND quận phản hồi bà H. bằng QĐ 38. Chủ tịch thừa nhận việc cấp giấy tờ đất cho ông T. chưa phù hợp với quy định pháp luật. Bà H. khiếu nại có cơ sở. Đồng thời, chủ tịch UBND quận hướng dẫn bà H. đòi bồi thường thiệt hại. Vì không đồng ý với phương án giải quyết hậu quả của UBND quận 2 nên bà H. khởi kiện. "Bà H. cần lối đi chứ không cần tiền đền bù của chính quyền" - đại diện nguyên đơn kiên quyết.
Lãnh đạo TP HCM gặp người dân ở Thủ Thiêm (quận 2) để giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai
Không chỉ bà H. mệt mỏi mà luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông T. (người có quyền và nghĩa vụ liên quan) cũng bức xúc. "Người dân tự khai, tự ký và tự chịu hậu quả khi kê khai làm giấy tờ nhà đất. Chính quyền không cẩn thận từ khâu thẩm định bản vẽ hiện trạng dẫn đến cấp giấy sai; rồi ra QĐ 38 hướng dẫn lùng nhùng, lằng nhằng nhằm giải quyết hậu quả. Vì vậy, người dân mới đi kiện" - luật sư nhận định.
Trong khi đó người bảo vệ quyền lợi cho chủ tịch UBND quận 2 cho rằng phòng tài nguyên và môi trường quận đã cung cấp đầy đủ chứng cứ trước ngày xử. Song, chủ tọa giải thích đây là trách nhiệm của chủ tịch UBND quận. Phòng Tài nguyên và Môi trường không có bất cứ nghĩa vụ và trách nhiệm nào trong vụ kiện.
Trước đó, TAND Cấp cao tại TP HCM đã yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng làm rõ một vụ kiện giữa người dân với chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng). Theo hồ sơ, người dân khởi kiện do chủ tịch UBND huyện dựa trên quyết định giải quyết khiếu nại để cấp giấy CNQSDĐ. Đáng nói, chủ tịch UBND huyện ban hành một lúc 4 quyết định trong… 1 ngày và trong lúc đất đang tranh chấp. Vụ việc phát sinh từ năm 1993, đến nay, kết quả vẫn chưa ngã ngũ.
Chưa hài lòng
Đó mới chỉ là 2 vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai bắt nguồn từ sai sót của cơ quan quản lý nhà nước. Theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP HCM), đa phần khiếu nại liên quan đến đất đai bị bác tại cơ quan quản lý địa phương. Chính vì thế, người dân không đồng tình, mất lòng tin nên "gõ cửa" vượt cấp. Ở cấp trên, vụ việc sẽ được xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng hơn. Như một người dân ở huyện Nhà Bè (TP HCM) đã khiếu nại lên UBND TP về mức bồi thường đất sau khi UBND huyện bác đơn. Kết quả, cấp TP chấp nhận nội dung khiếu nại và người này được nhận đền bù... hơn 1 tỉ đồng - giá cao hơn rất nhiều so với mức UBND huyện Nhà Bè quyết định trước kia. "Tất cả những vụ khiếu nại, khởi kiện hành chính liên quan đến đất đai tôi trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến đều không đúng thời hạn giải quyết. Chính quyền địa phương luôn viện đủ lý do, như: nhiều hồ sơ cần giải quyết, chưa có thời gian… nhằm kéo dài thời gian" - luật sư Ý nhận xét.
Kết quả nghiên cứu của Hội Luật gia Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển - hỗ trợ cộng đồng thực hiện với 13.800 người chỉ rõ 50% người tham gia khảo sát chọn cách đến cơ quan cấp trên; 14% tiếp cận đại biểu Quốc hội, HĐND khi khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai. Dù vậy, không ít người cảm thấy cơ quan nhà nước hay đại biểu dân cử chưa phát huy vai trò trợ giúp người dân. Cụ thể, chỉ 35% trong số này hài lòng khi đề cập đến vấn đề trên.
"Điệp khúc" đang giải quyết
644/13.800 người tham gia khảo sát nói trên đã và đang vướng tranh chấp hoặc khiếu nại về đất đai (dẫn đầu các loại hình tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính). Số vụ việc cơ quan chức năng xử lý dứt điểm chỉ chiếm 22,2%; số vụ đang giải quyết chiếm tới 66,8%. Số còn lại, người dân nhận phúc đáp "không giải quyết".
Bình luận (0)